Bảo vệ 'ngôi nhà xanh' Vườn quốc gia Tà Đùng

Lực lượng bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Tà Đùng (Lâm Đồng) đang thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ 'ngôi nhà xanh' của hàng trăm loài động vật quý hiếm.

Vườn quốc gia Tà Đùng đang từng bước bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ “ngôi nhà xanh” của hàng trăm loài động quý hiếm

Vườn quốc gia Tà Đùng đang từng bước bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ “ngôi nhà xanh” của hàng trăm loài động quý hiếm

Nằm ở điểm giao thoa giữa Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Vườn quốc gia Tà Đùng (Lâm Đồng) được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị sinh học đặc biệt cao. Với tổng diện tích khoảng 21.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng lên tới 85% vùng lõi, Tà Đùng là “ngôi nhà xanh” của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm.

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép động vật hoang dã bằng bẫy thú, lén lút xâm nhập rừng, dựng lán trại trái phép… vẫn đang là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ và phát triển hệ sinh thái nơi đây. Trước thực trạng đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng đã xác định gỡ bẫy thú rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Từ năm 2021 đến giữa năm 2025, lực lượng tuần tra của Vườn quốc gia Tà Đùng đã phát hiện và phá bỏ 1.385 bẫy thú các loại. Không dừng lại ở việc tháo gỡ bẫy, lực lượng chức năng còn tổ chức phá dỡ hơn 60 lán trại dựng trái phép, thu giữ nhiều khẩu súng kíp, súng hơi tự chế và dụng cụ săn bắt. Những biện pháp đồng bộ này đã giúp triệt tiêu nhiều “điểm nóng” về săn bắt trái phép trong rừng, góp phần khôi phục tính nguyên vẹn cho hệ sinh thái rừng.

Một cá thể khỉ được lực lượng Vườn quốc gia Tà Đùng vận động thả về rừng

Một cá thể khỉ được lực lượng Vườn quốc gia Tà Đùng vận động thả về rừng

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng cho biết, gỡ bẫy thú, ngăn chặn việc săn bắn động vật là hành động thiết thực giúp loại bỏ nguồn đe dọa trực tiếp đến các quần thể động vật hoang dã, mở rộng cơ hội sống sót và tái sinh cho những loài quý hiếm. Song song với công tác tuần tra, truy quét, gỡ bẫy, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức về lâm nghiệp, lợi ích của rừng tới người dân sống quanh vùng đệm.

Không chỉ dừng lại ở việc “giữ chân” các loài thú rừng, Vườn quốc gia Tà Đùng còn chủ động phục hồi quần thể hoang dã thông qua các đợt thả động vật quý hiếm về tự nhiên. Mới đây, Vườn quốc gia Tà Đùng đã phối hợp với các đơn vị chức năng thả thành công 5 cá thể vượn đen má hung loài linh trưởng nằm trong nhóm IB, cực kỳ nguy cấp, sau khi được cứu hộ từ các vụ nuôi nhốt trái phép. Ngoài ra, nhiều cá thể khỉ được vận động thả về rừng, góp phần tái thiết cân bằng sinh thái.

“Vườn quốc gia Tà Đùng hiện ghi nhận hơn 1.400 loài thực vật bậc cao, trong đó có 89 loài có nguy cơ tuyệt chủng, 59 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, có khoảng 574-650 loài, với 70 loài quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách đỏ và nhiều loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN. Tà Đùng còn là một phần của vùng chim đặc hữu cao nguyên Đà Lạt, một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và là 1 trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới.

Đức Hùng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/bao-ve-ngoi-nha-xanh-vuon-quoc-gia-ta-dung-382307.html