Thêm những bí ẩn dưới lòng đất

HNN - Nhiều bí ẩn đã được xuất lộ ở di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, nay là phường Kim Trà, TP. Huế) sau đợt khai quật giai đoạn 2 vừa kết thúc vào đầu tháng 7/2025. Đợt khai quật là sự tiếp nối của đợt khai quật giai đoạn 1 diễn ra vào năm 2024, để tìm lời giải về công trình kiến trúc Champa nằm dưới lòng đất từ hàng thế kỷ qua.

 Đoàn các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát di tích Tháp đôi Liễu Cốc

Đoàn các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo sát di tích Tháp đôi Liễu Cốc

Việc mở rộng khai quật di tích Tháp đôi Liễu Cốc được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đồng tình. Những thông tin ở bên dưới lòng đất của những lớp gạch cũ xưa ấy là căn cứ quan trọng để xác định được kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích.

Nhiều thông tin về 2 tháp Bắc - Nam

Sau hơn 5 tuần miệt mài khai quật dưới cái nắng oi bức và những trận mưa như trút nước trái mùa của xứ Huế, hành trình đi tìm lịch sử dưới lòng đất ở di tích Tháp đôi Liễu Cốc giai đoạn 2 đã khép lại. Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - người chủ trì việc khai quật di tích cùng các cộng sự như thở phào bởi chưa khi nào phải đối mặt sự khắc nghiệt của thời tiết như thế.

Đổi lại, rất nhiều thông tin đã được đoàn khai quật tìm thấy. Ở đợt khai quật giai đoạn 2 này, các chuyên gia đã mở 2 hố khai quật với diện tích 60m2. Trong đó, 1 hố ở phía đông của tháp Bắc để làm rõ tiền sảnh, đường vào tháp Bắc và 1 hố ở vị trí phía bắc và đông của tháp Nam để làm rõ quy mô, kết cấu và cửa vào tháp Nam. Cùng với đó, có 2 hố thám sát với diện tích 6m2 cũng được mở ở phía bắc của tháp Bắc và phía nam của tháp Nam.

Kết quả khai quật cho thấy, cũng giống như tháp Bắc, bề mặt nền đất của tháp Nam cũng đã bị xáo trộn mạnh, nhiều di vật hiện đại như gạch, ngói, bát hương, bình vôi, đèn… do quá trình canh tác và thờ cúng của người dân tấp vào quanh tháp, cây cỏ xâm thực, tạo thành gò nổi cao ở giữa, thấp dần ở 2 bên phía bắc và phía tây của tháp. Sau khi phát quang và mở hố khai quật, với độ sâu từ 97cm - 298cm, kết cấu địa tầng của di tích đã được xuất lộ, qua đó có thể phân thành 4 lớp và sinh thổ là đất sét vàng phù sa.

Theo ông Chất, qua diễn biến địa tầng, một lần nữa xác định Tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng trên một gò đất phù sa của sông Bồ, cao hơn mực nước biển từ 3,7 - 4m. Trước khi tiến hành xây dựng tháp, người xưa đã đổ đắp thêm một lượng đất phù sa để tạo mặt bằng, sau đó tiến hành đầm chắc bằng lớp đất laterite và bột gạch dày từ 5 - 12cm để gia cố đáy móng tháp. Và cũng từ địa tầng, có thể nhận thấy cốt nền giữa tháp Bắc và Nam không có sự chênh lệch, gần như cả 2 kiến trúc được xây dựng cùng thời, khoảng cách sớm - muộn có chăng cũng không đáng kể.

Cần tiếp tục mở rộng khai quật

Quá trình khai quật đã thu được 9.380 tiêu bản và mảnh hiện vật, tập trung chủ yếu là các loại hình vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và các mảnh kim loại đồng. Đáng chú ý có những mảnh bia ký làm từ đá sa thạch màu xám vàng và xám xanh bề mặt mài nhẵn, có chữ Phạn khắc chìm; dựa vào đặc điểm màu sắc và cấu trúc hạt của nguyên liệu đá cho phép xác định tại Liễu Cốc có ít nhất 2 bia ký hoặc 1 bia ký và 1 cấu kiện đá có minh văn, niên đại khoảng đầu thế kỷ X. Ngoài ra, có một số mảnh đá khả năng vỡ ra từ bệ Yoni; 2 bình vôi thế kỷ XVII - XVIII; đồ gốm men Việt Nam (niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ X - XIX)… Từ 2 đợt khai quật có thể khẳng định Tháp đôi Liễu Cốc là di tích duy nhất hiện được biết ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có 2 đền tháp thờ chính (thông thường có 1 tháp hoặc 3 tháp thờ chính).

Nhóm khai quật cũng cho rằng, trong đợt khai quật lần 2, kết cấu địa tầng cho thấy hai tháp Nam và Bắc gần như không có sự chênh lệch về cao độ, nhưng tháp Nam lại được xây dựng có quy mô rộng hơn tháp Bắc (khoảng hơn 0,4m) và tịnh tiến lệch về phía đông so với tháp Bắc khoảng 0,2m. Ngoài ra, khi so sánh trang trí trên tường của tháp Bắc và tháp Nam cũng thấy rõ có sự khác biệt về tạo tác trang trí cột, trụ tường và trụ cửa giả với các đường xoi rãnh ở tháp Nam cầu kỳ hơn, hoàn mỹ hơn tháp Bắc. Do vậy, có thể xác định hai tháp không xây dựng cùng thời điểm, có sự chênh lệch nhau khoảng 10 - 20 năm, trong đó tháp Bắc được xây dựng sớm - cuối thế kỷ IX; tháp Nam xây muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, tương ứng với niên đại về phong cách chữ trên bia ký.

Dù đã có rất nhiều phát hiện mới, nhưng theo đoàn khảo cổ, với diện tích trong 2 đợt khai quật mới chỉ dừng ở con số 150m2, hơn 6% so với diện tích quy hoạch của khu di tích (2.428m2). Vì thế, vẫn nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, chưa thể nhận diện đầy đủ lịch sử, bố cục, không gian và tính chất của di tích. “Để có mặt bằng tổng thể một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất về đền tháp Liễu Cốc, chúng tôi đề nghị cần tiến hành mở rộng diện tích khai quật”, ông Chất đề nghị.

Trong khi đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sau đợt khảo sát thực tế Tháp đôi Liễu Cốc cho rằng, cần sớm triển khai nghiên cứu, xây dựng dự án làm nhà mái che cho 2 tòa tháp chính; nghiên cứu, bảo tồn kết cấu tháp gạch, tạo cảnh quan di tích… Ngoài ra, đa số đồng tình kiến nghị tiếp tục khai quật di tích này.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế, diện tích khảo cổ cả 2 đợt chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích của di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Vì thế, sẽ xin ý kiến để tiếp tục mở rộng khai quật, từ đó làm rõ hơn những thông tin còn nghi ngờ. Song song, sẽ xây dựng phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/them-nhung-bi-an-duoi-long-dat-155650.html