'Bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử'

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Quy mô thị trường Việt Nam rất lớn

Tại tọa đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" ngày 14/8 do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ, trong vòng 7-8 năm qua, Shopee đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng ở Việt Nam có những thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa.

Lý do, theo ông Tuấn Anh là do hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới hay nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam (Ảnh: VGP).

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam (Ảnh: VGP).

Là một công ty sinh ra ở Đông Nam Á, phục vụ được thị trường Đông Nam Á, hy vọng sẽ phát triển tốt ở thị trường Đông Nam Á, ông Tuấn Anh cho biết, một phần công việc của Shopee là tìm hiểu nhu cầu thực tế ở thị trường Việt Nam.

Trong những cuộc đi khảo sát thị trường, Shopee Việt Nam nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách.

"Việc đầu tiên là các doanh nghiệp phải hiểu thương mại điện tử và cách tiếp cận thương mại điện tử qua các kênh, đó là thử thách mà doanh nghiệp cần hỗ trợ. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp phải hiểu người tiêu dùng sẽ biến đổi như thế nào để bắt kịp và đi theo trào lưu", ông Tuấn Anh nói.

Song ông cũng thừa nhận, thành công hiện tại chính là thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù. Đó là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở bất cứ vùng miền nào đó có thể tiếp cận.

"Điều này có nghĩa là, riêng đối với Shopee, sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn ở những thành phố nhỏ, vùng nông thôn chứ không phải thành thị. Đây là tiền đề phát triển cho bất cứ công nghệ nào liên quan đến thương mại điện tử", ông nói.

Thứ hai, về vấn đề hạ tầng, nhất là ở khâu vận chuyển. Trước đây đơn hàng thời gian có thể từ 4 đến 5 ngày trên toàn quốc, nhưng hiện tại chỉ dưới 2 ngày trên toàn quốc và ở thành phố lớn thì gần như là trong ngày…

Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam nhìn nhận, quy mô thị trường Việt Nam rất lớn, dân số đông, tiếp cận những sản phẩm mới rất nhanh cũng như thu nhập của người dân đang tăng. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo vẫn có thể tiếp cận được, gần như là không có rào cản.

Ông Tuấn Anh cũng nhấn mạnh: "Trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp thương mại điện tử, nhất là Shopee".

Ông cũng chia sẻ, Shopee đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, có những cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng.

"Song song với đó, chúng tôi mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể", Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam bày tỏ.

Tối ưu hóa tiềm năng thương mại điện tử là bài toán đường dài

Cũng chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói rằng, Shopee là nền tảng số rất lớn có trên 10 triệu người dùng.

Trách nhiệm của các nền tảng số trung gian phải báo cáo các bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… về các hoạt động định kỳ, hàng năm của mình bảo đảm cho người sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử trên nền tảng này để được bảo đảm quyền lợi, xử lý tranh chấp cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: VGP).

PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: VGP).

Ông Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, thương mại điện tử nói chung đã đem lại rất nhiều tác động tốt đẹp. Tuy nhiên đâu đó cũng có những những vấn đề liên quan đến tranh chấp và bảo vệ người tiêu dùng, hàng hóa tiêu dùng…

Theo ông Tuấn, các nền tảng số trung gian theo Luật Giao dịch điện tử xác định có 2 nhóm: Nhóm nền tảng số trung gian lớn có số lượng người dùng Việt Nam khoảng trên 3% người dùng tương ứng cỡ khoảng là 3 triệu người dùng trực tiếp và nền tảng số rất lớn là có số lượng người khoảng 10 % người dùng cỡ khoảng 10 triệu người dùng tại Việt Nam sẽ được quản lý.

Ngoài ra, giao dịch trực tuyến được xác định là lĩnh vực giao dịch của bộ, ngành nào thì bộ, ngành ấy phải có trách nhiệm triển khai, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

"Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử và nghị định hướng dẫn nói rằng, nếu các bộ, ngành không có những yêu cầu đặc biệt để triển khai thì có thể sử dụng chung Luật Giao dịch điện tử và các nghị định hướng dẫn mà không phải chuyển đổi để triển khai một cách thuận tiện và đồng bộ", PGS.TS Trần Minh Tuấn cho hay.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: VGP).

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: VGP).

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo một số báo cáo thông tin về thị trường, thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm đến khoảng 20-22% giá trị của thương mại điện tử toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 2,3 lần thương mại điện tử.

Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, với thế mạnh dệt may, da giày, gạo, nông sản… dư địa, tiềm năng về thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn, có một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới.

Năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như Nhà nước.

"Để tối ưu hóa tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam là bài toán đường dài", bà Việt Anh nói.

Nhắc đến định hướng của kế hoạch tổng thể thương mại điện tử cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ, bà Việt Anh chia sẻ, thương mại điện tử hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-la-van-de-song-con-cua-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-204240814151449936.htm