Bảo vệ tài nguyên rừng phòng hộ gắn với nâng cao chất lượng rừng trồng

Đến tháng 5/2025, các hộ tham gia dự án đã trồng được 13ha cây hoài sơn, 30ha cây cát sâm. Hàng năm, lợi nhuận từ trồng hoài sâm đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Cây cát sâm với chu kỳ từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 5 đến 6 năm, giá trị thu nhập ước tính gấp 8 lần trở lên so với trồng cây keo trên một đơn vị diện tích và chu kỳ thời gian trồng...

Người dân xã Luận Khê (Thường Xuân), chăm sóc cây hoài sơn.

Người dân xã Luận Khê (Thường Xuân), chăm sóc cây hoài sơn.

Cùng chúng tôi thăm những khu rừng tại các xã như Lương Sơn, Yên Nhân, Luận Thành ( Thường Xuân),... vào thời điểm đầu tháng 5/2025, ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thường Xuân và một số cán bộ ban, chia sẻ: Diện tích rừng ban được giao quản lý, bảo vệ và sử dụng 13.214,14ha, trong đó có 10.121ha rừng phòng hộ. Để bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng, ban đã xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Chỉ đạo các trạm bảo vệ rừng trực thuộc ban phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến người dân; kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát các đối tượng ra vào rừng các thời điểm nắng nóng và nguồn vật liệu cháy trong khu vực. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hàng năm đơn vị đã mua sắm bổ sung dụng cụ phục vụ công tác PCCCR; phân công trực 24/24 giờ vào các thời kỳ cao điểm nắng nóng, phát dọn đường băng cản lửa, phát dọn thực bì và xây dựng phương án đốt trước vật liệu cháy phục vụ PCCCR. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Để quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn, BQLRPH Thường Xuân đã phân công cán bộ tại các trạm bảo vệ rừng trực thuộc, làm việc với thôn, bản khảo sát các vấn đề liên quan đến quản lý rừng phòng hộ; thường xuyên tuần tra bảo vệ an toàn diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý. Các thôn, bản có rừng đã phối hợp tốt với chủ rừng và một số đối tượng hay chặt phá rừng ký cam kết không vi phạm những điều cấm về rừng. Mặc dù khu vực quản lý là rừng phòng hộ xung yếu trên địa bàn huyện Thường Xuân, đồi núi cao, địa hình bị chia cắt nhiều, độ cao trung bình trên 500m, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn; mức thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, song nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ và PCCCR trong những năm vừa qua và hơn 4 tháng đầu năm 2025 không xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng.

Thực hiện mục tiêu bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất, tài nguyên rừng và cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có; hình thành các vùng trồng rừng sản xuất, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh với quy mô lớn, gắn trồng rừng với chế biến và thị trường tiêu thụ lâm sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng rừng, trọng tâm là trồng rừng bằng cây lâm nghiệp chất lượng cao, cây nuôi cấy mô tăng giá trị thu nhập cho chủ rừng, hàng năm BQLRPH Thường Xuân đã hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất và cung ứng cây giống lâm nghiệp, dược liệu từ 2 đến 4 triệu cây giống các loại/năm. Tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định. Để tăng năng suất cho cây trồng, từ năm 2021 đến tháng 5/2025, ban đã tuyên truyền, vận động hộ gia đình nhận khoán trồng được khoảng 230ha cây keo mô. Tiếp tục tuyên truyền để người dân trong vùng biết được ưu điểm nổi trội của cây giống nuôi cấy mô, vận động chủ rừng khắc phục khó khăn đầu tư mở rộng diện tích trồng sau khai thác bằng cây keo nuôi cấy mô để nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng thu nhập cho chủ rừng. Trồng rừng trên tất cả diện tích đất trống, trồng cây dược liệu quý hiếm dưới tán rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng, tăng thu nhập cho người dân.

BQLRPH Thường Xuân đã xây dựng và thực hiện Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng, chế biến, tiêu thụ một số loài dược liệu cát sâm và hoài sơn tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa”. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025. Mục tiêu của dự án là thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập phát triển kinh tế cho người dân. Đến tháng 5/2025, các hộ tham gia dự án đã trồng được 13ha cây hoài sơn, 30ha cây cát sâm. Hàng năm, lợi nhuận từ trồng hoài sâm đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Cây cát sâm với chu kỳ từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 5 đến 6 năm, giá trị thu nhập ước tính gấp 8 lần trở lên so với trồng cây keo trên một đơn vị diện tích và chu kỳ thời gian trồng. Năm 2025, các hộ gia đình có nhu cầu đã tự bỏ vốn tiếp tục trồng cây dược liệu cát sâm. Nâng cao chất lượng rừng trồng; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, bảo vệ rừng tận gốc, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-ve-tai-nguyen-rung-phong-ho-gan-voi-nang-cao-chat-luong-rung-trong-248280.htm