Bảo vệ trẻ trước tác động của khói thuốc

'Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá' - chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc được tích cực thúc đẩy, triển khai rộng khắp.

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm. Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và nhiều loại hình kết hợp những hình thức khác. Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ, gây nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng.

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng, mà còn cho cả gia đình và xã hội. Ước tính tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá tại Việt Nam hơn 110.000 tỷ đồng mỗi năm.

WHO đánh giá cao Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 của Việt Nam, trong đó xác định mục tiêu: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Đặc biệt, Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một bước đi quan trọng và rất đúng hướng, phù hợp với một trong hai khuyến nghị của WHO đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Bởi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất có hại cho sức khỏe. Nguy hại hơn, các sản phẩm này khiến những người trẻ tuổi bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, WHO tin rằng chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm này mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi của Việt Nam khỏi tác hại của chúng. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp cần sớm ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Khuyến nghị thứ hai liên quan đến giá của các sản phẩm thuốc lá thông thường ở Việt Nam đang cực kỳ rẻ so với mặt bằng thế giới vì thuế thấp. Điều này có nghĩa là giá cả không tạo được rào cản ngăn ngừa những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc, cũng như không khuyến khích những người hiện đang hút bỏ thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá chính là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được điều này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các Mục tiêu phát triển bền vững nếu thực hiện tốt khuyến nghị của WHO. Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ để lại một di sản lâu dài, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp đất nước hiện nay và cho các thế hệ mai sau.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-tre-truoc-tac-dong-cua-khoi-thuoc-post476587.html