Bắt cặp vợ chồng doanh nhân thành lập 7 công ty sản xuất và bán phân bón giả liên tỉnh
Sau gần một năm vào cuộc xác minh, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã khám phá vụ sản xuất phân bón giả quy mô lớn, bán ra nhiều tỉnh, thành phố do một cặp vợ chồng cầm đầu.
Thành lập doanh nghiệp để sản xuất, bán phân bón giả
Thực hiện đợt ra quân đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) vừa điều tra, khám phá thành công chuyên án bắt vụ sản xuất phân bón giả bán ra nhiều tỉnh, thành phố với quy mô đặc biệt lớn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, thời gian qua, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận nói chung xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón giả nhằm thu lợi bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng của người nông dân.
Do đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk xác lập chuyên án đấu tranh.
Sau gần một năm tích cực vào cuộc xác minh, thu thập chứng cứ, bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định, loại phân bón giả mang nhãn hiệu NPK được sản xuất tại Công ty Cổ phần thương mại phân bón Nam Dương (sau đây viết tắt là Công ty Nam Dương, địa chỉ tại khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định) và Công ty cổ phần tập đoàn phân bón Quốc tế Hoa Kỳ - VINA (viết tắt là Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA, địa chỉ tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, tỉnh Long An).
Thượng tá Nguyễn Văn Chuyên, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho hay, việc sản xuất phân bón giả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng.
Đặc biệt, tại Tây Nguyên, Đắk Lắk những năm gần đây giá cà phê, tiêu, sầu riêng tăng cao nên đầu tư phân bón mạnh, gặp phải phân kém chất lượng thì cây sẽ kém chất lượng, thậm chí chết. Vì vậy, sau khi tiếp nhận tin báo, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Phòng Cảnh sát kinh tế đã xác lập chuyên án đấu tranh.
Đến ngày 8/1, Phòng Cảnh sát kinh tế đã cử 2 tổ công tác lên đường đến tỉnh Long An và Bình Định khẩn trương điều tra và xác định, Công ty Nam Dương và Công ty Quốc tế Hoa Kỳ - VINA do vợ chồng Bùi Minh Chánh (43 tuổi) và Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi, cùng trú tại Tp.Hồ Chí Minh) làm Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, vợ chồng Chánh, My còn đứng ra thành lập 7 công ty thành viên nhằm thuận tiện cho việc quảng cáo, buôn bán nhiều mặt hàng sản phẩm phân bón ra thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Khám xét khẩn cấp trụ sở và kho sản xuất của 2 công ty do vợ chồng Chánh, My làm Tổng Giám đốc, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ 10.264 bao ghi nhãn hiệu bên ngoài là các loại phân bón NPK khác nhau với tổng trọng lượng hơn 513 tấn, hơn 4.000 tấn nguyên liệu sản xuất phân bón cùng nhiều giấy tờ, tài liệu, sổ sách có liên quan.
Các đối tượng khai gì?
Làm việc với cơ quan công an, ông Chánh và bà My khai nhận, trong quá trình hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón, do giá nguyên liệu kali tăng cao, khan hiếm vì phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Do đó, để giảm chi phí sản xuất phân, cạnh tranh giá bán trên thị trường và tăng thêm lợi nhuận nên vợ chồng Chánh, My đã ban hành công thức sản xuất phân bón cụ thể đối với từng mã sản phẩm phân bón NPK.
Trong đó, có những loại phân bón NPK có hàm lượng kali thấp và những loại phân bón NPK không có hàm lượng kali. Từ đó, chỉ đạo 2 nhân viên kế toán của công ty là Võ Thị Hồng Nhung (33 tuổi) và Nguyễn Dương Thịnh (36 tuổi, đều trú tại tỉnh Bình Định) triển khai thực hiện.
Quá trình mở rộng điều tra, các tổ chuyên án đã tiến hành làm việc với 32 đại lý phân bón trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, tạm giữ 848,3 tấn các sản phẩm phân bón mà Công ty Nam Dương và Công ty Hoa Kỳ - VINA đã sản xuất bán ra thị trường.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, cơ quan công an xác định số lượng phân bón do Công ty Nam Dương và Công ty Hoa Kỳ - VINA sản xuất là phân bón giả.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan chuyên môn để thực trạng sản xuất phân giả kéo dài. Đồng thời. đề nghị các đại lý mua phân của 2 công ty trên thì sớm giao nộp cho cơ quan chức năng gần nhất. Nếu để bán ra thị trường thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Bùi Minh Chánh và vợ là Nguyễn Thị Cẩm My cùng 2 kế toán của công ty là Võ Thị Hồng Nhung và Nguyễn Dương Thịnh để tiếp tục điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.
Kết quả khám phá thành công chuyên án trên đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích và việc sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.