Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng hút vốn đầu tư ngoại

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc 'lọt vào mắt xanh' của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là thông tin được nhiều vị chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cùng đồng tình, khi họ tham dự hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Theo ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản Nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam, nhìn chung Việt Nam đang là thị trường thu hút FDI rất tốt trong lĩnh vực bất động sản với các lợi thế về tiềm năng thị trường, dân số, thu nhập, đặc điểm nền kinh tế trong giai đoạn 30 – 40 năm vừa qua.

Thời gian qua, dù các nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn về mặt thể chế và pháp lý, đặc biệt là các thể chế về luật đất đai, nhưng ông Trương An Dương cho rằng bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng trong bức tranh tổng thể của ngành.

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản Nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản Nhà ở, Công ty Frasers Property Vietnam

“Bất động sản công nghiệp đang là chủ đề nóng hổi, nhờ vào hành lang pháp lý cũng như việc khuyến khích đầu tư vào sản xuất, nên phân khúc bất động sản khu công nghiệp phát triển rất tốt tại Việt Nam”, đại diện Frasers Property Vietnam khẳng định.

Ông kỳ vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm những chính sách sửa đổi để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư bất động sản nói riêng tiếp cận vào quỹ đất; cũng như đẩy mạnh quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại.

“Hy vọng, dòng vốn FDI nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất, phát triển hạ tầng, đặc biệt là đầu tư vào các công nghệ cao”, vị chuyên gia nói thêm.

Bổ sung ý kiến của ông Trương An Dương, bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn của JLL Việt Nam, cho rằng trong 5 năm vừa qua, đã có những chuyển biến tích cực và rõ nét trong chất lượng hạ tầng công nghiệp.

Năm 2018, JLL Việt Nam có cơ hội làm việc với một quỹ đầu tư lớn trên toàn cầu, khi họ bắt đầu xem xét tiềm năng phát triển của lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đó vào thị trường Việt Nam đã kéo theo các nhà đầu tư khác tham gia vào thị trường.

“Quan trọng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài khi thâm nhập thị trường đã mang theo các tiêu chuẩn phát triển bất động sản công nghiệp mới vào Việt Nam”, đại diện JLL Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn của JLL Việt Nam

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn của JLL Việt Nam

Theo đó, bà Trang Lê đánh giá Việt Nam hiện đã có các loại hình nhà xưởng, nhà kho chất lượng tương đương với các nước khác trong khu vực. Thậm chí có một số dự án đã tích hợp được các tiêu chí xanh, công năng xanh vào chu trình phát triển và vận hành. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài còn mang tới nhu cầu về phát triển xanh của các nhà sản xuất, và về toàn cảnh, việc này đã nâng tầm chất lượng của bất động sản công nghiệp trong thời gian gần đây.

Để thu hút vốn FDI vào mảng bất động sản nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng, đại diện JLL tin rằng Việt Nam vẫn phải xoay quanh các yếu tố như thúc đẩy hoàn thiện quy trình thủ tục pháp lý để đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng để phục vụ cho sản xuất, phục vụ cho sự phát triển của bất động sản, cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để có thể hấp thụ được dòng vốn nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất,...

Cũng theo bà Trang Lê, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khi nền kinh tế càng phát triển, càng mở cửa nhanh thì yêu cầu và tính cấp thiết của việc nâng cao những yếu tố như thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân sự,… sẽ càng ngày càng quan trọng và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

“Chúng ta phải xác định rằng các cải tiến về quy trình, thủ tục hành chính phải được thực hiện trên thực tiễn, chứ không phải chỉ trên giấy tờ. Mức độ cạnh tranh của các nước khác trong khu vực cũng đang rất khốc liệt, chúng ta phải đẩy nhanh vấn đề này để kịp thời thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam”, đại diện JLL Việt Nam nhấn mạnh.

Bất động sản công nghiệp là điểm sáng thu hút vốn FDI trong ngành bất động sản.

Bất động sản công nghiệp là điểm sáng thu hút vốn FDI trong ngành bất động sản.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất động sản là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng vốn FDI lớn nhất, khi tổng vốn đầu tư 3 tháng đầu năm nay rót vào bất động sản rơi vào khoảng 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Mặc dù nguồn vốn FDI năm 2023 đổ vào Việt Nam đã chậm lại do kinh tế thế giới khó khăn nhưng thị trường bất động sản công nghiệp trong nước vẫn duy trì được nguồn cầu ổn định từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ lợi thế về lao động, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, sự ổn định kinh tế vĩ mô…

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/bat-dong-san-cong-nghiep-diem-sang-hut-von-dau-tu-ngoai-d190090.html