Bất ngờ với tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở Đông Nam Bộ

Ở Đông Nam Bộ, kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp...

Sáng 18-4, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Có các chính sách đặc thù

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã trong vùng Đông Nam Bộ đều có trường mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đều có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường THPT. Tính đến năm học 2020 – 2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, tăng hơn 1.000 cơ sở giáo dục so với giai đoạn năm học 2010 - 2011.

Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy được đẩy mạnh theo hướng hiệu quả, thiết thực, đón đầu công cuộc chuyển đổi số và giáo dục thông minh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Chất lượng giáo dục có chuyển biến mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.

Tự chủ giáo dục đại học được đẩy mạnh, tăng cường phân cấp, giao quyền về nhân sự, tài chính và học thuật tạo bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống giáo dục đại học của cả vùng.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng dần hằng năm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, đưa giáo dục và đào của vùng từng bước ngang tầm với các nước trong khu vực.

Lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị

Lãnh đạo các địa phương tham dự hội nghị

Nhận diện "bức tranh" giáo dục

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần phải khắc phục như quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh.

Kết cấu hạ tầng ngành giáo dục chưa theo kịp với sự phát triển của vùng. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất cả nước. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn, thông qua hội nghị, các bộ, ngành sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện "bức tranh" giáo dục vùng Đông Nam Bộ hiện nay. Các địa phương cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được trong thời gian qua và trên cơ sở đó cùng nhau đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Xuyên suốt hội nghị, các tỉnh vùng Đông Nam bộ có những tham luận xoay quanh quá trình phát triển giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Thảo Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/bat-ngo-voi-ty-le-truong-dat-chuan-quoc-gia-o-dong-nam-bo-20230418094502733.htm