Bát Tràng, Vạn Phúc chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới

Tối 14/2, tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.

Sự kiện có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Sa'ad al-Qaddumi - Chủ tịch hội đồng Thủ công thế giới cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cũng như các tổ chức quốc tế.

 Các đại biểu tham dự sự kiện.

Các đại biểu tham dự sự kiện.

Vinh danh làng nghề Việt trên trường quốc tế

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản...

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc tại sự kiện.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc tại sự kiện.

Hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà là những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.

Đến nay, thế giới có 68 làng nghề thuộc 28 quốc gia được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Việc hai làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới vừa là niềm tự hào, vừa là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thời gian tới, Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề của Thủ đô.

Minh chứng cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của con người Việt Nam

Tại buổi lễ, ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới, đánh giá Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, đây không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai, mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam.”

 Ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới phát biểu tại sự kiện.

Ông Saad al-Qaddumi, Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới phát biểu tại sự kiện.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới nhấn mạnh: “Mặc dù làng nghề Việt Nam đã trải qua vô vàn thử thách, thăng trầm của lịch sử và đứng trước nguy cơ mai một như nhiều cộng đồng thủ công khác trên thế giới, tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến một cuộc hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, một minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên trì, bền bỉ của con người Việt Nam.”

Theo ông Saad al-Qaddumi, trong hơn 40 năm qua, chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm và đầu tư để khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, bao gồm lụa Vạn Phúc và gốm sứ Bát Tràng. Những nỗ lực này không chỉ giúp hồi sinh các kỹ nghệ thủ công tinh xảo mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cho phụ nữ, giúp họ tham gia vào nền kinh tế và tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa cho các thế hệ tương lai.

 Hội đồng Thủ công thế giới trao tặng danh hiệu “Làng nghề thủ công thế giới về gốm sứ” cho Bát Tràng, và làng “Làng nghề thủ công thế giới về dệt lụa” cho Vạn Phúc.

Hội đồng Thủ công thế giới trao tặng danh hiệu “Làng nghề thủ công thế giới về gốm sứ” cho Bát Tràng, và làng “Làng nghề thủ công thế giới về dệt lụa” cho Vạn Phúc.

“Ngày hôm nay, Bát Tràng và Vạn Phúc chính là những biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện của hai làng nghề này là minh chứng rõ ràng cho tinh thần bền bỉ của cộng đồng, cho thấy rằng dù phải đối mặt với bao khó khăn, họ vẫn có thể vươn lên và một lần nữa trở thành trung tâm của nền thủ công mỹ nghệ và niềm tự hào văn hóa. Khi tôn vinh hai làng nghề hôm nay, chúng ta cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới.” ông Saad al-Qaddumi khẳng định.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới cũng bày tỏ niềm vui khi biết rằng Việt Nam đang tiếp tục đề xuất công nhận thêm các làng nghề truyền thống khác và tin tưởng rằng những đề cử này sẽ tiếp tục mang lại sự ghi nhận xứng đáng cho nền thủ công đặc sắc của Việt Nam.

Tại sự kiện Ban tổ chức đã trao chứng nhận 2 làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc là thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. Đồng thời thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2025.

Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, năm 2025, Sở đặt mục tiêu phấn đấu đề xuất Hội đồng Thủ công thế giới công nhận thêm ít nhất 2 làng nghề là thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Sở NN&PTNT Hà Nội xác định vai trò quan trọng của các làng nghề, từ đó đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 11 nhóm giải pháp.

 Tiết mục trình diễn tại sự kiện.

Tiết mục trình diễn tại sự kiện.

Tới đây, để làng nghề thực sự là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, gắn với chuỗi du lịch văn hóa, làng nghề với nông nghiệp nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố triển khai một số nội dung về rà soát Quy hoạch các làng nghề; trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng; rà soát những nghề cần gắn với làng để phát triển làng nghề gắn với du lịch nông thôn, kết nối các tour tuyến du lịch, giáo dục trải nghiệm, tạo ra đa giá trị cho làng nghề.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, bảo tồn phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024 để từng bước tháo gỡ, khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển làng nghề. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề và phát triển bền vững.

Sở NN&PTNT Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ số, hạ tầng số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đương đại những vẫn giữ được bản sắc vốn có của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cải tiến vật liệu mới vào sản xuất để tiết kiệm nguyên liệu, lao động; ưu tiên các công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường theo xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Người dân tham quan gian hàng tại sự kiện.

Người dân tham quan gian hàng tại sự kiện.

Bạn trẻ tham gia làm gốm sứ tại gian trưng bày sự kiện.

Bạn trẻ tham gia làm gốm sứ tại gian trưng bày sự kiện.

Sự kiện trưng bày gồm nhiều không gian, như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng; không gian lụa và gốm của các nghệ nhân quốc tế...

Sự kiện trưng bày gồm nhiều không gian, như: Lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng; không gian lụa và gốm của các nghệ nhân quốc tế...

Không gian đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP…

Không gian đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP…

Bát Tràng không chỉ là cái nôi của nghề gốm sứ Việt Nam mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm cách đây hơn 500 năm, các nghệ nhân gốm với bề dày kinh nghiệm, sự sáng tạo đã khôi phục được các mẫu gốm từ thời xa xưa như thời nhà Lý, Trần, Lê, Mạc... Gốm Bát Tràng được làm từ kỹ thuật tạo men và nung lò vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác, mang đến sự hài hòa cả về hình thể lẫn màu sắc của gốm, là nơi giao thoa nghề gốm truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Những sản phẩm gốm sứ không chỉ tinh tế về hình thức, còn đa dạng về mẫu mã, từ đó ngày càng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã có bề dày hàng nghìn năm, được các nghệ nhân gìn giữ và phát triển nghệ thuật dệt lụa, với những tấm lụa không chỉ đẹp về màu sắc mà còn tinh xảo trong từng đường nét hoa văn. Làng nghề dệt Lụa Vạn Phúc đang trở thành điểm du lịch, tham quan nổi tiếng của Thủ đô để du khách khám phá, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống.

Thanh Hà

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bat-trang-van-phuc-chinh-thuc-gia-nhap-mang-luoi-cac-thanh-pho-thu-cong-sang-tao-the-gioi-post539914.html