Bầu cử ở Ấn Độ: Chiến thắng sít sao, bài toán dang dở

Không nằm ngoài dự đoán, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử kéo dài hơn sáu tuần, nhưng kết quả công bố hôm 4/6 không như kỳ vọng...

Ông Narendra Modi trở thành người thứ hai trong lịch sử Ấn Độ có ba nhiệm kỳ liên tiếp làm Thủ tướng. (Nguồn: PTI)

Ông Narendra Modi trở thành người thứ hai trong lịch sử Ấn Độ có ba nhiệm kỳ liên tiếp làm Thủ tướng. (Nguồn: PTI)

Tuy bị mất 60 ghế so với 353 ghế trong cuộc bầu cử năm 2019 và không đạt mục tiêu tham vọng 400 ghế đề ra, nhưng Liên minh NDA đã giành được 293/543 ghế, vượt qua số ghế tối thiểu 272 cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới và đưa Thủ tướng Narendra Modi trở thành người thứ hai sau Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1889-1964) đảm nhiệm ba nhiệm kỳ liên tiếp.

Chính trị liên minh trở lại

Bất ngờ lớn của cuộc bầu cử lần này là việc liên minh đối lập I.N.D.I.A. (Liên minh Dân chủ toàn diện quốc gia Ấn Độ) do Đảng Quốc đại dẫn đầu đã giành được 234 ghế, mức tăng ấn tượng so với con số 93 ghế trong cuộc bầu cử năm 2019.

Trong khi bản thân Đảng Quốc đại đã cải thiện số ghế của mình lên 99 ghế từ 52 ghế năm 2019, thì Đảng cầm quyền BJP bị giảm số ghế xuống còn 240, không đủ để tự mình lập chính phủ. Điều này có nghĩa là BJP tuy vẫn là đảng lớn nhất theo số ghế nhưng sẽ phải phụ thuộc vào các đảng đồng minh địa phương, đặc biệt là Đảng Telugu Desam (TDP) ở bang Andhra Pradesh và Janata Dal United (JDU) tại bang Bihar để thành lập chính phủ. Hai đảng TDP và JDU giành được tổng cộng 32 ghế tại Hạ viện.

Sự phụ thuộc này của BJP có nghĩa là sự trở lại của chính trị liên minh, vốn là đặc trưng cho Ấn Độ từ năm 1989 đến năm 2014. Chính trị liên minh là một thách thức lớn cho bất cứ đảng nào lên cầm quyền. Để làm hài lòng các đối tác liên minh, ông Modi sẽ phải thương lượng, chia sẻ quyền lực và chấp nhận một chính phủ ít tinh gọn hơn.

Sự lớn mạnh của phe đối lập sẽ khiến chính phủ ông Modi gặp nhiều khó khăn tại Hạ viện khi cần thông qua bất kỳ chính sách nào của mình. Kịch bản xấu có thể xảy ra nếu các đối tác chính trong liên minh NDA đổi phe, chuyển sang liên minh I.N.D.I.A. đối lập. Nếu điều này xảy ra, khả năng I.N.D.I.A. đứng ra thành lập chính phủ cũng không thể loại trừ, dẫn đến những thay đổi đáng kể chính sách đối nội và đối ngoại của Ấn Độ.

Đảng BJP dẫn đầu danh sách trúng cử với 240 ghế, tiếp theo là đảng Quốc đại 99 ghế. (Nguồn: NYT)

Đảng BJP dẫn đầu danh sách trúng cử với 240 ghế, tiếp theo là đảng Quốc đại 99 ghế. (Nguồn: NYT)

“Đau đầu” đối nội

Chiến thắng sát nút giúp Thủ tướng Modi bước vào nhiệm kỳ ba, để tiếp tục hoàn thành các công việc còn dang dở trong các nhiệm kỳ trước. Khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai cách đây năm năm, ông Modi hứa sẽ đưa quy mô nền kinh tế Ấn Độ lên 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024, nhưng không đạt được do đại dịch Covid-19. Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Modi lại hứa đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029, với tổng GDP 6,69 nghìn tỷ USD từ mức 3,51 nghìn tỷ USD hiện nay.

Với mức tăng trưởng đó, kinh tế Ấn Độ sẽ đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 4.418 USD từ mức khoảng 2.500 USD hiện nay, tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lên 1,58 nghìn tỷ USD vào năm 2030 từ mức 700 tỷ USD và tăng gấp đôi tỷ trọng xuất khẩu của nước này trong thương mại toàn cầu lên hơn 4%. Mục tiêu bao trùm của ông Modi là đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm độc lập.

Tuy nhiên, để nền kinh tế Ấn Độ có thể tăng gấp đôi sau bảy năm như mục tiêu đề ra, theo các nhà kinh tế, Ấn Độ sẽ phải duy trì mức tăng trưởng GDP thực tế hàng năm ít nhất 7%, lạm phát duy trì dưới mức 4,5% và đồng Rupee mất giá dưới 1,5% mỗi năm so với đồng USD.

Thách thức đối với ông Modi là khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong khi vẫn phải giải quyết các vấn đề như lạm phát, thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ hiện ở mức cao từ 7-8%, trong đó thanh niên thành thị không có việc làm lên tới 16-17%, do nền kinh tế hiện tại quá tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, bỏ qua các lĩnh vực kỹ năng thấp, nơi có thể tạo ra nhiều việc làm.

Lạm phát đứng ở mức cao 4,83%, trong đó lạm phát lương thực 8% cho dù ông Modi đã cấm xuất khẩu lúa mì, gạo và hành để kiềm chế lạm phát trong nước. Thu nhập từ nông thôn trì trệ, sự bất bình đẳng gia tăng giữa thành thị và nông thôn, dẫn đến các cuộc biểu tình lan rộng ở đất nước được mệnh danh có nền dân chủ lớn nhất thế giới. Đây cũng chính là những vấn đề khiến đảng BJP cầm quyền mất đi nhiều phiếu cử tri trong cuộc bầu cử lần này và nếu không giải quyết ngay sẽ làm ảnh hưởng hơn nữa vị trí cầm quyền của ông Modi.

Chính phủ của ông Modi sẽ phải quan tâm giải quyết các yêu cầu của đại chúng, nên phải chuyển hướng một số nguồn lực tài chính sang các biện pháp dân túy. Trong khi đó, ông sẽ phải hạn chế bớt nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình phát triển sản xuất.

Hơn nữa, sự trở lại của chính trị liên minh có thể sẽ làm chậm lại một số biện pháp cải cách tham vọng của chính phủ mới. Các cải cách trong nông nghiệp, đất đai và thuế trực tiếp có thể bị trì hoãn. Nhà đầu tư lo sợ rằng sự trì hoãn này làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ. Ngay lập tức, chỉ số Nifty 50 của Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ giảm mạnh tới 8,5% tại Mumbai trong ngày 4/6, mức giảm lớn nhất trong một ngày suốt hơn bốn năm qua.

Chính phủ nhiệm kỳ mới của Ấn Độ sẽ phải giải bài toán thất nghiệp. (Nguồn: Flickr)

Chính phủ nhiệm kỳ mới của Ấn Độ sẽ phải giải bài toán thất nghiệp. (Nguồn: Flickr)

Thách thức đối ngoại

Chính quyền NDA nhiệm kỳ mới sẽ phải dành nhiều nguồn lực và sự quan tâm cho các vấn đề đối nội hơn, đồng nghĩa với việc giảm nguồn lực và sự quan tâm cho các vấn đề đối ngoại. Trong thời gian qua, ông Modi tương đối thành công trong việc thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ chiến lược và đa liên kết, tránh các liên minh mang tính ràng buộc, nhưng duy trì quan hệ đồng đều với Nga, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, mở rộng quan hệ với các khu vực thông qua các sáng kiến Láng giềng trên hết, Hành động hướng Đông và Liên kết hướng Tây.

Tuy nhiên, thách thức đối với Ấn Độ là tiếp tục theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược và đa liên kết hay không, nếu cạnh tranh Mỹ - Trung, Mỹ - Nga gia tăng. Ấn Độ liệu có thể vừa tiếp tục giữ gìn tình hữu nghị lâu đời với Nga, vừa phải giảm sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ Mỹ và các nước phương Tây hay không?

Quan hệ căng thẳng với Trung Quốc bao gồm cả những va chạm trên biên giới vẫn là một thách thức lớn, khiến Ấn Độ phải dành một nguồn lực lớn cho việc củng cố an ninh thông qua cơ sở hạ tầng mới và tăng cường hiện diện quân sự dọc biên giới. Trong khi đó, ảnh hưởng của Ấn Độ tại các quốc gia láng giềng nhỏ hơn trong khu vực đang bị suy giảm. Dưới thời ông Modi thiếu những nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng với Pakistan. Quan hệ của nước này với Maldives gần đây đã xuống mức thấp. Trung Quốc cũng được cho là đang nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của Ấn Độ ở các nước như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka.

Tham vọng mở rộng của chính phủ Thủ tướng Modi trong việc đảm nhận vai trò lãnh đạo Nam bán cầu, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đang bị thách thức. Ấn Độ dễ bị tổn thương trước các hiện tượng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng. Tuy nhiên, chính phủ chưa làm được gì nhiều về vấn đề này. Ấn Độ vẫn là nước có tỷ lệ phá rừng cao thứ hai trên toàn thế giới, mất 668.400 ha đất rừng từ năm 2015 đến năm 2020. Các ngành công nghiệp của nước này vi phạm tiêu chuẩn khí thải và còn thiếu các biện pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm không khí. Bất chấp các nỗ lực mở rộng năng lượng tái tạo, tăng công suất lên hơn gấp ba lần, từ 35 GW năm 2014 lên 125 GW vào năm 2023, và phấn đấu 500 GW vào năm 2030.

Tuy vậy, Ấn Độ vẫn là nước đi đầu trong việc tiêu thụ và nhập khẩu than toàn cầu. Điều này cho thấy những khó khăn trong việc Ấn Độ tuyên bố giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu, một thông điệp quan trọng mà nước này tìm cách truyền tải trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch G20 vào năm 2023.

Với chiến thắng cho dù sít sao, nhưng sự trở lại lần thứ ba của Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục cho thấy đảng BJP và cá nhân Thủ tướng vẫn có được sự tin tưởng của đa số cử tri. Điều này sẽ là động lực, nguồn năng lượng lớn để ông Modi tiếp tục đưa Ấn Độ tiếp tục tiến lên, giải được các bài toán còn dang dở trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.

Đại sứ Tôn Sinh Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-o-an-do-chien-thang-sit-sao-bai-toan-dang-do-274035.html