Báu vật giữa đại ngàn

Từ việc chung tay giữ rừng, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Thanh Hóa có nguồn thu ổn định từ các dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon

Bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ lâu được biết đến như một Sa Pa thứ hai của xứ Thanh bởi khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Đó là do bản này nằm trong một thung lũng nhỏ, được bao bọc bởi những cánh rừng già xanh mướt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên - nơi đang còn nhiều khu rừng nguyên sinh, với những đại thụ có tuổi đời hàng ngàn năm.

Sống khỏe nhờ rừng

Không phải ngẫu nhiên mà rừng Xuân Liên còn giàu tài nguyên, đa dạng sinh học đến bây giờ. Ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, nó còn được chính những người dân bản địa nơi đây chung tay bảo vệ, coi như "báu vật".

Những cánh rừng xanh ở Thanh Hóa

Những cánh rừng xanh ở Thanh Hóa

Ông Thiều Đính Tính (SN 1965; ngụ bản Vịn) cho biết ông gần như gắn trọn cuộc đời với những cánh rừng nơi đây. "Ngày trước, chúng tôi nhận khoán bảo vệ rừng cũng chỉ nghĩ rừng là lá phổi xanh, là nơi dân làng nương tựa suốt bao đời nên cần có trách nhiệm bảo vệ, chứ không nghĩ có ngày rừng mang lại nguồn thu cho bà con từ việc bán khí thở. Ngoài số tiền Nhà nước chi trả cho bảo vệ rừng mà lâu nay bà con được hưởng, nay bản Vịn còn được chi trả hơn 230 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon cho việc bảo vệ chăm sóc gần 1.800 ha rừng đặc dụng. Dù số tiền không cao nhưng ai cũng phấn khởi" - ông Tính chia sẻ.

Do giữ được hệ sinh thái rừng gần như nguyên sinh, nên những năm gần đây rừng Xuân Liên còn trở thành điểm du lịch khám phá, được nhiều du khách ưa mạo hiểm thích thú. Từ đó, người dân trong bản còn có thêm thu nhập từ việc làm hướng dẫn viên, đưa khách đi khám phá "báu vật" là những cánh rừng pơ mu, sa mu ngàn năm tuổi giữa đại ngàn.

"Cả bản Vịn có 182 hộ dân, ai cũng có ý thức bảo vệ rừng. Vì thế, trong nhiều năm qua, tại bản Vịn không xảy ra vụ phá rừng nào. Không những thế, nhờ được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền giao khoán, tiền bán tín chỉ carbon, bà con có thêm nguồn thu để đầu tư, xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông, nhà văn hóa để phục vụ chính bà con trong bản" - ông Lang Văn Tiếp chia sẻ.

Tại huyện Như Xuân, trước đây tình trạng phá rừng thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, từ khi có các chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng, cùng với việc tuyên truyền, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều cánh rừng ở Như Xuân được hồi sinh, phát triển tốt, ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt.

"Gia đình tôi nhận giao khoán 40 ha rừng. Năm 2024, ngoài các dịch vụ khác, gia đình còn nhận được hơn 5 triệu đồng từ bán tín chỉ carbon. Tôi hết sức bất ngờ khi biết những cánh rừng bà con chúng tôi trông coi giờ có thể sinh ra tiền từ việc bán không khí" - ông Lương Văn Bảy (ngụ xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân) hồ hởi.

Nhờ chung tay bảo vệ rừng mà hàng ngàn người dân Thanh Hóa đã được hưởng hàng tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon

Nhờ chung tay bảo vệ rừng mà hàng ngàn người dân Thanh Hóa đã được hưởng hàng tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon

Tạo sinh kế bền vững

Ông Dương Hoàng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân, cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 29.000 ha rừng tự nhiên đang giao khoán cho 6 chủ rừng nhà nước, 6 UBND xã và 1.112 hộ dân. "Ngoài tiền hỗ trợ gạo, tiền giao khoán và dịch vụ môi trường rừng, từ năm 2023, người trông coi, bảo vệ rừng còn được chi trả thêm tiền bán tín chỉ carbon. Với khoảng 29.000 ha rừng tự nhiên đủ điều kiện được chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, Như Xuân đã thu về hơn 3,7 tỉ đồng" - ông Hải thông tin. Việc người dân có thêm các nguồn thu từ rừng không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập, mà còn giúp họ nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, có trách nhiệm với rừng, từng bước nâng tỉ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống, môi trường sinh thái cho cộng đồng bản địa, khu vực.

Ông Đặng Hữu Nghị - Giám đốc Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa), cho biết Thanh Hóa hiện có hơn 647.000 ha rừng (chiếm 53% diện tích tự nhiên), trong đó có hơn 393.000 ha rừng tự nhiên. "Ngoài hỗ trợ gạo, tiền giao khoán bảo vệ rừng, từ năm 2012, tỉnh Thanh Hóa còn được hưởng 30-35 tỉ đồng từ dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích khoảng 400.000 ha. Diện tích rừng này nằm trong lưu vực của 12 nhà máy thủy điện, với 22 chủ rừng nhà nước, 5 UBND cấp xã, 626 cộng đồng (đại diện cho 2.188 cá nhân, gia đình) được thụ hưởng" - ông Nghị cho hay.

Cũng theo ông Nghị, bắt đầu từ năm 2023, tỉnh Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (gọi tắt ERPA; bán tín chỉ carbon). Trong đó, Thanh Hóa có hơn 393.000 ha được chi trả, với tổng số hơn 162 tỉ đồng cho 3 năm (2023 - 2025).

"Đến nay, chúng tôi đã rà soát được trên 365.000 ha bảo đảm điều kiện chi trả cho 39 chủ rừng tổ chức, 63 UBND xã, thị trấn và 25.032 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Số diện tích còn lại chưa thể chi trả do nhiều chỗ còn chồng lấn. Số tiền chi trả cho các đối tượng hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon đã được chúng tôi giải ngân gần 49 tỉ đồng, trong đó hơn 23 tỉ đồng chi cho cộng đồng, người dân"- ông Nghị cho biết thêm.

Ông Đặng Hữu Nghị cũng khẳng định các chính sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng thực sự đã phát huy hiệu quả rất lớn, không chỉ giúp nhiều cánh rừng tại Thanh Hóa được hồi sinh, bảo vệ tốt mà còn hình thành những điểm - khu du lịch cộng đồng nổi tiếng, giúp người dân có sinh kế bền vững ngay trên quê hương mình. Đồng thời, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân, giúp họ có thêm động lực bảo vệ rừng, tạo nên hệ sinh thái xanh, bền vững.

Ông Thiều Đình Tính (bìa phải) và anh em trong tổ bảo vệ rừng bản Vịn, đi tuần rừng

Ông Thiều Đình Tính (bìa phải) và anh em trong tổ bảo vệ rừng bản Vịn, đi tuần rừng

Vướng thanh toán chi phí bán tín chỉ carbon

Mặc dù việc "bán khí thở của rừng" đã phát huy hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng nhưng quá trình chi trả tiền cho các tổ chức, các chủ rừng nhà nước cũng đang gặp vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, cho biết năm 2023, đơn vị quản lý gần 5.700 ha rừng tự nhiên, được chi trả hơn 741 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tiền trên vẫn không thể giải ngân do vướng các quy định. "Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28-12-2022 của Chính phủ, số tiền bán tín chỉ carbon phải được chi ở các mục như hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng; chi cho hoạt động các biện pháp lâm sinh, làm giàu rừng, khoanh nuôi, trồng rừng bổ sung... nhưng không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Thành ra, tiền đã nhận mà không thể chi được" - ông Dũng cho hay.

Không chỉ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh mà hầu hết các chủ rừng nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dù đã được chi trả tiền bán tín chỉ carbon nhưng đều rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Đăng Hữu Nghị, trong số 49 tỉ đồng đã giải ngân cho năm 2023, hơn 23 tỉ đồng chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, chủ rừng cộng đồng thuận lợi, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hơn 22 tỉ đồng được đơn vị chuyển về tài khoản của các chủ rừng tổ chức, chủ rừng nhà nước, UBND các xã thì chưa thể giải ngân, thực hiện các hoạt động sinh kế, biện pháp lâm sinh.

Việc này, theo ông Nghị là vướng ở chỗ quy định chi không chồng chéo với các khoản chi khác của nhà nước, trong khi phần lớn rừng tự nhiên ở Thanh Hóa đều được bố trí kinh phí từ các dự án, chương trình thuộc nhà nước. Nếu chi theo quy định trên thì diện tích còn lại để thực hiện theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP là rất ít. Đây là nút thắt khiến nhiều đơn vị nhận tiền chi trả tín chỉ carbon nhưng chưa thể giải ngân.

Ngoài ra, cũng theo ông Nghị, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2023 sang năm 2024 để sử dụng được chương trình đồng thời với kế hoạch tài chính của ERPA năm 2024, trong khi theo quy định của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP thì các đơn vị khóa sổ kế toán vào ngày 31-12 hằng năm, lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30-6 và trình thẩm định, phê duyệt quyết toán vào ngày 15-7 năm sau. "Như vậy, vô hình trung chỉ làm điều chỉnh quyết toán, phê duyệt, lập kế hoạch tài chính là hết thời gian, không còn thời gian để thực hiện" - ông Nghị nêu lý do.

Để tháo gỡ vướng mắc này, đơn vị đã có kiến nghị Quỹ Trung ương kéo dài thời gian thực hiện chi trả chi phí bán tín chỉ carbon đến năm 2027.

Rừng già trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Rừng già trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Trong những năm qua, việc thực hiện tốt các chính sách đối với rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tăng thu nhập, mà còn tạo động lực để hàng ngàn hộ dân tại Thanh Hóa gắn bó, chung tay gìn giữ, từng bước cải thiện môi trường sống, môi trường sinh thái rừng.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bau-vat-giua-dai-ngan-196241019195759275.htm