Bé 8 tháng tuổi bị biến chứng viêm da cơ địa nặng do tắm lá
Bé 8 tháng tuổi (ở Nam Định) bị viêm da cơ địa nặng sau khi điều trị nhiều nơi, chăm sóc không đúng cách và tắm nhiều loại lá cây.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn - Thành viên hội Da liễu Việt Nam cho biết, vừa điều trị bé N.H.T, 8 tháng tuổi (ở Nam Định) trong tình trạng da bị tổn thương, quấy khóc, khó chịu, cơ thể khá suy dinh dưỡng do ngứa ngáy thời gian dài.
Theo chia sẻ của gia đình, từ lúc 3 tháng tuổi, 2 má T. xuất hiện các vết đỏ, mụn nước. Gia đình cho đi khám và các bác sĩ chẩn đoán con bị viêm da cơ địa, cho dùng thuốc bôi, dưỡng ẩm thì các tổn thương giảm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bố mẹ không duy trì dưỡng ẩm cho trẻ nên bệnh nặng dần lên, xuất hiện thêm tổn thương mụn nước, mụn mủ. Sau đó, gia đình đi khám nhiều nơi nhưng tổn thương vẫn còn.
Để con sớm hết bệnh, gia đình dùng lá trầu không, lá khế nấu nước tắm cho con. Tuy nhiên, bệnh của T. ngày càng nặng hơn, xuất hiện nhiều vết đỏ, mụn nước, mụn mủ lan rộng khắp mặt, tay, chân, thân mình kèm vảy tiết dày.
Bác sĩ Hoàn chia sẻ, khi bắt đầu tiếp nhận điều trị, tình trạng bệnh của bé rất nặng, da của bé hầu như bị tổn thương rất nhiều và quấy khóc, khó chịu, cơ thể cháu cũng khá suy dinh dưỡng do ngứa ngáy.
Sau một tháng nhập viện kết hợp thuốc uống, bôi, bệnh tình bé thuyên giảm, da phục hồi 90%.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn, bệnh viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), là bệnh viêm da mạn tính, tái phát, hay gặp ở trẻ em và liên quan tới cơ địa dị ứng.
Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị thoát hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, tạo điều kiện cho các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập, làm xuất hiện các tổn thương, mụn nước gây ngứa.
Biến chứng của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa đa số diễn ra ở trẻ, bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng cho trẻ như:
- Bội nhiễm vi khuẩn, chốc hóa
- Nhiễm virus như eczema herpeticum, eczema Coxsackie
- Để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Ngứa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt với trẻ em.
Lưu ý khi điều trị viêm da cơ địa
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn, việc điều trị viêm da cơ địa cho trẻ nên được sự tư vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các thuốc tại chỗ, dưỡng ẩm, chăm sóc cho trẻ đóng vai trò quan trọng trong điều trị viêm da cơ địa và không nên dùng các phương pháp dân gian như tắm lá cây, nước muối, bôi thuốc lá cho trẻ.
Khi nghi bị viêm da cơ địa cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng, kịp thời, tránh để bệnh gây ra biến chứng, không nên tự chẩn đoán, điều trị cũng như dùng các phương pháp điều truyền miệng tại nhà tránh làm bệnh diễn biến nặng hơn.