Bé trai bị rắn lục đuôi đỏ cắn nguy kịch

Bé trai 6 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang chơi gần giàn mướp, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng nguy kịch.

Tối ngày 15/7, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) vừa tiếp nhận cấp cứu bé trai Đ.Q.H. 6 tuổi ở tỉnh Cà Mau.

Trước lúc nhập viện khoảng 4 giờ, bé đang chơi tại nhà hàng xóm thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ rơi từ giàn mướp xuống, cắn trúng ngón chân cái bên trái. Bé bị đau dữ dội, vết thương chảy máu. Người nhà đã nhanh chóng cầm máu và bắt được con rắn. Sau đó, bé được đưa đến bệnh viện địa phương để sơ cứu và truyền dịch trước khi chuyển tuyến đến TP HCM.

 Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc có thể khiến nạn nhân nhanh chóng tử vong nếu không điều trị kịp thời/Ảnh tienphong.vn

Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc có thể khiến nạn nhân nhanh chóng tử vong nếu không điều trị kịp thời/Ảnh tienphong.vn

Tại thời điểm nhập viện, trẻ có biểu hiện sưng bầm vùng ngón chân và cổ chân trái, chảy máu thấm gạc, tinh thần lừ đừ. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé rơi vào tình trạng rối loạn đông máu nặng. Con rắn được người nhà mang theo là rắn lục xanh đuôi đỏ, giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây độc và lập tức chỉ định truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu.

Tuy nhiên, sau 6 giờ, tình trạng của bệnh nhi vẫn không cải thiện rõ rệt, máu tiếp tục rỉ ra ở vết cắn nên bệnh viện quyết định truyền thêm một liều huyết thanh thứ hai. Sau 12 giờ điều trị, trẻ hết chảy máu, vết thương giảm sưng bầm, toàn trạng dần ổn định.

Con rắn người nhà bắt được là rắn lục xanh đuôi đỏ, được mang theo đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng/VOH

Con rắn người nhà bắt được là rắn lục xanh đuôi đỏ, được mang theo đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng/VOH

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, trường hợp của bé H. là lời cảnh tỉnh rõ ràng cho các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm rình rập trong môi trường sống quen thuộc của trẻ.

Vào mùa mưa, các gia đình cần phát quang bụi rậm, dọn dẹp cây cối quanh nhà, giàn leo, cỏ dại… để hạn chế nơi trú ẩn của rắn và côn trùng nguy hiểm như ong, kiến, bọ cạp. Khi làm việc hoặc di chuyển ở vùng đồng ruộng, bụi rậm, nên mang ủng hoặc giày cao cổ, tránh đi chân đất. Đặc biệt, không để trẻ em chơi ở những khu vực có cây cối rậm rạp, giàn cây leo hoặc ruộng vườn trong thời điểm mưa nhiều.

Trong trường hợp bị rắn cắn, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, hạn chế cử động vùng bị cắn, rửa sạch bằng nước sạch và xà phòng nếu có. Tuyệt đối không nên garo, không rạch, không hút nọc độc vì những hành động này có thể gây hại nghiêm trọng. Nếu có thể, người nhà nên ghi nhớ hoặc chụp ảnh con rắn từ xa để bác sĩ xác định hướng điều trị.

Quan trọng nhất là phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được xử trí, tiêm huyết thanh kháng nọc rắn càng sớm càng tốt. Thời gian là yếu tố sống còn trong các ca rắn độc cắn.

Trường hợp không may bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân cần lưu ý:

Giữ bình tĩnh, tránh chạy nhảy nhiều để hạn chế chất độc lan nhanh.
Cố định chi bị cắn ở tư thế thấp hơn tim.
Không rạch vết cắn, không hút nọc, không băng garo chặt.
Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử trí và truyền huyết thanh kháng nọc kịp thời.
Nếu có thể, mang theo con rắn đã bắt được hoặc chụp hình để bác sĩ nhận diện loại rắn, giúp điều trị chính xác.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/be-trai-bi-ran-luc-duoi-do-can-nguy-kich-post1555186.html