Hiểu đúng men vi sinh để sử dụng an toàn

Nhiều người lầm tưởng men vi sinh và men tiêu hóa là một, tự ý bổ sung hàng ngày cho trẻ nhỏ mà không hiểu rõ liệu có thực sự cần thiết.

Men vi sinh khác với men tiêu hóa

Được kỳ vọng là "trợ thủ" đắc lực cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch, men vi sinh ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đi kèm với sự phổ biến ấy là không ít những hiểu lầm và sai lầm trong cách sử dụng, dẫn đến những băn khoăn, thậm chí là "lợi bất cập hại".

Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất chính là việc đánh đồng men vi sinh với men tiêu hóa. Về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Quế (Giảng viên Khoa Dược lý – Dược Lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội) đã làm rõ: "Men vi sinh (probiotics) là những vi khuẩn sống có lợi, khi được bổ sung vào cơ thể với lượng thích hợp, chúng sẽ giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tăng cường miễn dịch tiêu hóa. Khác hẳn với men vi sinh, men tiêu hóa (enzyme) lại là các enzyme do chính cơ thể chúng ta tiết ra từ các tuyến như tuyến nước bọt, tụy hay ruột. Nhiệm vụ chính của chúng là phân giải thức ăn thành các chất dinh dưỡng ở dạng cơ thể có thể hấp thu được".

Men vi sinh là "trợ thủ" cho hệ tiêu hóa

Men vi sinh là "trợ thủ" cho hệ tiêu hóa

TS. Quế cũng chỉ ra lý do vì sao nhiều người lại nhầm lẫn giữa hai loại này: "Có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, cả hai đều thường được gọi chung là 'men'. Thứ hai, chúng đều được sử dụng khi có các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Và thứ ba, cả men vi sinh và men tiêu hóa đều có tác dụng hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng. Chính những điểm chung này khiến người dùng dễ dàng nghĩ rằng chúng là một và sử dụng sai cách".

Bên cạnh sự nhầm lẫn về định nghĩa, một sai lầm phổ biến khác là quan niệm men vi sinh có thể dùng hàng ngày như thực phẩm bổ sung cho mọi đối tượng. Về vấn đề này, chuyên gia nhấn mạnh: Nếu dùng kéo dài không có lý do, men vi sinh có thể làm giảm khả năng tự sản xuất vi khuẩn có lợi của ruột, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào sản phẩm. Cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn có thể duy trì cân bằng vi sinh thông qua chế độ ăn giàu chất xơ và thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua.

Khi cần sử dụng, việc chọn đúng chủng và liều lượng đã được chứng minh lâm sàng là vô cùng quan trọng. Thay vì phụ thuộc vào viên bổ sung, hãy ưu tiên các thực phẩm lên men tự nhiên như sữa chua, kefir để duy trì lợi khuẩn. Viên bổ sung men vi sinh chỉ nên được sử dụng khi có mục tiêu sức khỏe cụ thể và cần theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế. Với đa dạng sản phẩm trên thị trường, việc lựa chọn đúng là rất cần thiết.

Phân loại và sử dụng

Hiện nay, thị trường có rất nhiều loại men vi sinh, có thể khiến người tiêu dùng bối rối. Theo chuyên gia, có thể phân loại men vi sinh dựa trên các tiêu chí sau:

Tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Quế (Giảng viên Khoa Dược lý – Dược Lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội)

Tiến sĩ Đỗ Thị Nguyệt Quế (Giảng viên Khoa Dược lý – Dược Lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội)

Một, dựa trên chủng loại vi khuẩn: Đây là cách phân loại phổ biến nhất, với các chủng thường gặp như:

Lactobacillus: Phổ biến trong sữa chua, thực phẩm lên men, giúp sản xuất axit lactic, hỗ trợ tiêu hóa đường sữa và tăng cường miễn dịch. Các loài thường thấy: L. acidophilus, L. rhamnosus, L. casei.

Bifidobacterium: Chiếm phần lớn trong ruột già của trẻ sơ sinh và người lớn khỏe mạnh, giúp sản xuất axit axetic và lactic, ức chế vi khuẩn gây hại, và hỗ trợ hấp thu dưỡng chất. Các loài thường thấy: B. bifidum, B. lactis, B. longum.

Saccharomyces boulardii: Là một loại nấm men có lợi, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị tiêu chảy do kháng sinh, hoặc tiêu chảy cấp vì không bị kháng sinh tiêu diệt.

Hai, dựa trên dạng bào chế: Men vi sinh có thể ở dạng bột, viên nang, dung dịch, hoặc viên nhai. Mỗi dạng có ưu nhược điểm riêng về khả năng bảo quản và tiện lợi khi sử dụng.

Ba, dựa trên công nghệ sản xuất: Một số sản phẩm sử dụng công nghệ bao kép, bao vi nang để bảo vệ vi khuẩn khỏi axit dạ dày và dịch mật, giúp tăng tỷ lệ sống sót của lợi khuẩn khi đến ruột.

Để lựa chọn sản phẩm men vi sinh uy tín và phù hợp, người tiêu dùng cần chú ý đến: chủng lợi khuẩn và số lượng (CFU) được ghi rõ trên bao bì, thường từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ CFU; khả năng sống sót của lợi khuẩn khi qua môi trường dạ dày khắc nghiệt, ưu tiên sản phẩm có công nghệ bao kép hoặc dạng bào tử; nguồn gốc và uy tín của nhà sản xuất và dạng bào chế phù hợp với đối tượng sử dụng như dạng bột/dung dịch cho trẻ, viên nang cho người lớn.

Nên ăn thực phẩm lên men tự nhiên

Nên ăn thực phẩm lên men tự nhiên

Quan trọng hơn hết là lựa chọn theo đối tượng cụ thể. Ví dụ, với trẻ em cần chủng phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt (Lactobacillus reuteri, Bifidobacterium lactis); người lớn rối loạn tiêu hóa có thể chọn các chủng phổ biến (Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium bifidum) và người dùng kháng sinh nên ưu tiên chủng Saccharomyces boulardii vì chủng này không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh.

Để duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh một cách bền vững, việc bổ sung men vi sinh từ thực phẩm lên men tự nhiên là phương pháp tối ưu và an toàn. Dưới đây là một số gợi ý về liều lượng tham khảo cho các thực phẩm phổ biến:

Sữa chua: Nên ăn khoảng 1-2 hộp (khoảng 100-200g) mỗi ngày. Ưu tiên sữa chua không đường để tránh nạp quá nhiều đường, vốn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh.
Kefir: Có thể uống khoảng 100-200ml kefir mỗi ngày. Kefir là một loại đồ uống lên men từ sữa hoặc nước, chứa đa dạng các chủng vi khuẩn và nấm men có lợi.
Kim chi, dưa cải muối chua (tự làm và không qua tiệt trùng): Bổ sung một lượng nhỏ (khoảng 50-100g mỗi ngày) vào các bữa ăn. Lưu ý chọn sản phẩm tự muối truyền thống, không qua xử lý nhiệt để đảm bảo vi khuẩn có lợi còn sống.
Tempeh, natto (đậu nành lên men): Đây là những thực phẩm giàu protein và men vi sinh, có thể bổ sung khoảng 50-100g vài lần một tuần vào chế độ ăn.

Phan Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-men-vi-sinh-de-su-dung-an-toan-169250716160520725.htm