Bên lề Quốc hội: Lo ngại đội vốn từ khâu giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 và 4
Ngày 6/6, Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư 5 dự án cao tốc quan trọng.
Bên lề kỳ họp, các đại biểu đặc biệt quan tâm đối với hiệu quả đầu từ dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, làm sao để đưa đây trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Vấn đề cấp bách chứ không chỉ là cấp thiết
Trong bối cảnh hgiá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay rtrở thành vấn đề cấp bách chứ không chỉ là vấn đề cấp thiết
Đặc biệt, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhiều nhà đầu tư quốc tế nên việc đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam
Với đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng hơn khi đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách.
Nhìn vào hiệu quả đầu tư, đường Vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng. Trước đó, giai đoạn 5 năm 2016 - 2022, thu ngân sách của Tp. Hồ Chí Minh hơn 1.810.000 tỷ đồng nhưng chỉ giữ lại 360.000 tỷ đồng và chuyển về ngân sách Trung ương trên 1,4 triệu tỷ đồng.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị): Lo ngại đội vốn từ khâu giải phóng mặt bằng
Vấn đề giải phóng mặt bằng của các dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Vành đành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh rất đáng quan tâm, bởi diện tích mặt bằng cần giải phóng của 2 dự án này tương đối lớn.
Nhìn lại dự án sân bay Long Thành, khi gặp phải khu vực dân cư đông đúc, việc giải phóng rất khó khăn, kéo dài nhiều năm. Với dự án đường vành đai 3, vành đai 4 lại thuộc 2 thành phố lớn, chỉ khi giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án mới có thể triển khai.
Các địa phương, bộ, ngành cần tập trung, có cơ chế thống nhất để giải quyết vấn đề mặt bằng, nếu cách làm không đổi mới, rất khó để đảm bảo tiến độ.
Tiền bao nhiêu là một chuyện nhưng giải phóng được mặt bằng hay không lại là vấn đề khác. Trong các dự án này, cần xem giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số 1, nếu chậm trễ trong giải phóng mặt bằng có thể khiến dự án đội vốn lên rất cao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Không chỉ phân định vốn cho Trung ương
Có thể nói, đường cao tốc là đường quốc gia nhưng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đơn cử như hình thành đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Vành đành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh không chỉ tác động đến riêng Hà Nội, vùng Thủ đô hay Tp. Hồ Chí Minh mà còn tác động rất mạnh đến các khu vực liền kề. Vậy nên, việc khai tác nguồn lực tại các địa phươn trong việc thực hiện dự án này rất cần thiết, từ đó khai thông nguồn lực tại địa phương.
Thực tế, ngân sách địa phương ngày càng gia tăng trong khi ngân sách Trung ương càng ngày áp lực như thuế gia tăng các địa phương thu vào trong khi hoàn thuế thì chịu ngân sách Nhà nước… Vậy nên, chủ trương đầu tư rất đúng, rất cần thiết, nguồn vốn đầu tư phải đa dạng không nên chỉ nhìn vào 1 nguồn vốn, nói cách khác không nên phân định chỉ có Trung ương mà địa phương phải có trách nhiệm trong việc đầu tư các dự án đường này.
Về tổng mức đầu tư cần tính toán thật chặt chẽ, chính xác, tránh tình trạng dự kiến quá thấp đến khi triển khai lại không đủ vốn sẽ dẫn đến đình trệ. Hoặc dự toán quá cao, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ bị thất thoát./.