Bên lề Quốc hội: Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách tạo sức lan tỏa

Đại biểu Quốc hội cho rằng, sử dụng nguồn tiền từ tăng thu ngân sách cần phải có kế hoạch, xác định mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên. Qua đó, tạo được sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/6, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở hội trường về sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự kiến phân bổ 26.900 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho 20 dự án thuộc 4 lĩnh vực.

Chia sẻ bên lề Quốc hội với phóng viên TTXVN, các đại biểu cho rằng, sử dụng nguồn tiền này cần phải có kế hoạch, xác định mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên. Qua đó, tạo được sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế, không chỉ là sức bật cho khu vực tư nhân mà còn giải quyết được việc làm, tạo thêm ổn định cho đời sống, kích cầu đầu tư sản xuất.

* Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm

Chính phủ cũng đã trình phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 cho thời gian còn lại của giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời dự kiến vào những công trình trọng điểm, thiết yếu, công trình mang tính an ninh, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội…

Theo tôi, phương án sử dụng nguồn tiền này cần thực hiện đúng Luật Ngân sách, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, cân đối giữa các vùng miền, lĩnh vực. Tuy nhiên, cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho giai đoạn này. Cùng đó là các dự án đã xong thủ tục, lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng chiến lược, dự án cấp bách…

 Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Điều này rất hợp lý vì trong phát triển kinh tế thì phải đảm bảo tính toàn diện, vừa cân bằng về kinh tế - xã hội, môi trường; đồng thời phải đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sử dụng nguồn tiền này cần phải có kế hoạch, xác định mục tiêu trọng tâm, trọng điểm cho những tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025 cho kết thúc nhiệm kỳ. Bài toán này cần lời giải hợp lý, đặc biệt là từ đây tới cuối năm và năm 2055 cần phải dùng một phần nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, người lao động ổn định được cuộc sống; đồng thời kích thích tiêu dùng, sản xuất để đảm bảo được sức tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng cũng như đời sống của nhân dân được ổn định tốt hơn.

Chúng ta nên dành một phần của tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, dành một phần nguồn lực đó tập trung cho nhóm các công trình trọng điểm quốc gia để đẩy mạnh tiến độ, đáp ứng được tiến độ kế hoạch đề ra. Từ đó, tạo sức lan tỏa lớn cho nền kinh tế, không chỉ là sức bật cho khu vực tư nhân mà còn giải quyết được việc làm, tạo thêm ổn định cho đời sống, kích cầu đầu tư sản xuất. Đó là những giải pháp tốt, cần phải tập trung. Đặc biệt, trong khâu triển khai thực hiện cần phải tập trung tốt việc kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo chọn đúng nhà thầu có năng lực để hoàn thành theo tiến độ kế hoạch đề ra. Đây là một trong những đòn bẩy để đưa nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững hơn.

* Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Tp. Hồ Chí Minh: Ưu tiên những nơi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Chúng ta có được nguồn thu tăng thêm là rất tích cực. Từ khoản tăng thu ngân sách đó, Quốc hội có quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng; trong đó, ưu tiên những dự án về an ninh quốc phòng, dự án về hạ tầng giao thông. Đây là những dự án thúc đẩy phát triển bền vững, giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo được an ninh quốc phòng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Do đó, nguồn tăng thu ngân sách cần ưu tiên chi cho những nơi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thêm đó còn có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phân bổ đảm bảo nguyên tắc theo thứ tự ưu tiên.

* Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp: Trọng điểm dành cho an sinh xã hội

Để sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2023 hiệu quả và có tác dụng lan tỏa, cần phân bổ nguồn nguồn này hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, không phân bổ tràn lan, không phải tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đề nghị cũng được phân bổ từ nguồn tăng thu ngân sách này.

Trọng tâm, trọng điểm ở đây là dành chi cho an sinh xã hội. Hiện nay nguồn chi cho an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn, do đó cần lấy từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2023 để chi cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cơ bản cần tái cấu trúc lại nền kinh tế, đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tôi nghĩ rằng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, Chính phủ phải có sự tính toán chi ly, cụ thể để nguồn thu tăng thêm này mang lại hiệu quả cao nhất. Lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, lĩnh vực đó Thủ tướng Chính phủ quyết định. Còn những lĩnh vực cao hơn phải thông qua Quốc hội hoặc Quốc hội ủy quyền lại cho Thường vụ Quốc hội quyết những nội dung chi.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-su-dung-nguon-tang-thu-ngan-sach-tao-suc-lan-toa/338708.html