Bến phà dừng hoạt động, người dân Cần Thơ 'liều mình' vượt sông bằng đò, xuồng
Phà qua sông Cần Thơ dừng hoạt động, người dân bất đắc dĩ phải di chuyển bằng đò, xuồng. Giữa sóng gió, những chiếc đò nhỏ vượt sông, cả người lái và hành khách đều không mặc áo phao.
XEM CLIP:
Hơn 10 ngày qua, bến phà Xóm Chài qua sông Cần Thơ, nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng (TP Cần Thơ) tạm dừng hoạt động mà không thông báo rõ lý do. Ba chiếc phà trọng tải 8-16 tấn neo đậu tại bến, nhiều nhân viên, tài công ngưng làm việc.
Phà dừng hoạt động đồng nghĩa với việc người dân hai bên bờ buộc phải thay đổi phương thức di chuyển. Trong khi người đi xe máy tìm đường vòng qua cầu, thì người đi bộ, đi xe đạp đành bất chấp nguy hiểm lên đò, xuồng vượt sông.
Đi xe ôm ra bến phà để trở về nhà, bà Lại Thị Hóa (73 tuổi, ngụ quận Cái Răng) tỏ ra bất ngờ khi biết tin phà dừng hoạt động. Sau khi nghe nhân viên tại đây giải thích, bà men theo lối nhỏ cạnh bến, liều mình đi đò.
“Đi phà chỉ mất 5-7 phút, an toàn, lên phà lại được nghỉ ngơi. Trong khi đó, nếu đi qua cầu phải gấp đôi thời gian, chưa kể lúc tắc đường. Qua sông bằng đò người ta chở tới 4-5 người, sóng gió bấp bênh rất nguy hiểm. Tôi không biết bơi, ngồi trên đò run lắm, chỉ mong sang tới bờ bên kia an toàn”, bà Hóa lo lắng nói.
Mưu sinh bằng nghề bán rong, hàng hóa cồng kềnh, bà Lê Kim Định (56 tuổi, ngụ quận Cái Răng) không thể di chuyển bằng đò mà chọn đi qua cầu Quang Trung.
“Lúc tới chân cầu, tôi phải xuống xe dắt bộ. Đường đông người, lúc thả dốc cầu nếu không xử lý kịp rất dễ xảy ra tai nạn. Mong sao phà sớm hoạt động trở lại”, bà Định than vãn.
Ghi nhận của PV VietNamNet, giá vé đi phà với người đi bộ 1.000 đồng/lượt, xe đạp 2.000 đồng/lượt thì nay người dân đi đò phải trả với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba. Điều đáng quan tâm, hầu hết các đò, xuồng đều không trang bị phao cứu sinh cho khách, chất lượng một số phương tiện cũng đang xuống cấp.
Ông Nguyễn Quốc Toàn - quản lý bến phà cho biết, bến thành lập từ năm 1994, trực thuộc Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ. Mỗi ngày, phà chạy 90 chuyến qua lại, mỗi chuyến từ 20-30 người, chủ yếu phục vụ người lao động, bà con mưu sinh hai bên bờ.
Theo ông Toàn, trước đây, bến do Sở GTVT thành phố quản lý, cấp phép và gia hạn giấy phép định kỳ. Đồng thời, bến thuê đất hằng năm với Sở TN&MT, cũng được gia hạn theo định kỳ.
Giữa năm 2023, bến chuyển về UBND quận Ninh Kiều quản lý. Sau khi rà soát hồ sơ, Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận đề nghị bến phà bổ sung phụ lục hợp đồng thuê đất có thời hạn để được cấp phép lại.
“Trong lúc chờ hoàn tất thủ tục thì hết hạn giấy phép cũ. Chúng tôi có xin gia hạn hoạt động nhưng chưa được chấp thuận nên phải dừng chạy”, đại diện quản lý bến phà cho hay.
Ông Trần Văn Hiếu - Phó phòng QLĐT quận Ninh Kiều thông tin, có 3/5 bến phà trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai.
“Những bến này hoạt động từ lâu. Khi các bến có yêu cầu được cấp phép hoặc gia hạn hoạt động, đơn vị quản lý trước đó đã không hướng dẫn cụ thể để chủ bến hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Riêng bến phà Xóm Chài còn vướng thủ tục liên quan đến việc tính lại giá thuê đất, phụ lục hợp đồng thuê đất. Chỉ khi chủ bến bổ sung đủ hồ sơ mới được xem xét cấp phép hoạt động trở lại”, ông Hiếu chia sẻ.
Lãnh đạo phòng QLĐT quận khẳng định, hoạt động đón, trả khách của các chủ đò tại bến phà là hoạt động “chui”, tồn tại nhiều năm nay. Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng CSGT, UBND phường mời chủ đò lên làm việc, vận động đăng ký phương tiện, trang bị đầy đủ áo phao hoặc phương tiện cứu sinh…