Bên trong ngôi làng rác thải nhựa lớn nhất Việt Nam và thách thức của ngành thương mại tỷ đô
Là quốc gia hiện đang nhập khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới nhưng sản lượng được tái chế tại các làng nghề rác thải ở Việt Nam dường như vẫn chưa thực sự phù hợp với đầu vào, từ đó gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.
Liên Hợp Quốc cho biết, ngành thương mại tái chế rác thải nhựa có trị giá lên tới 3,8 tỷ USD vào năm 2023. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD), năm 2022, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu xếp thứ 4 thế giới. Với ngành rác thải nhựa, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, thậm chí còn nhập khẩu nhiều hơn mức có thể tái chế được, khiến lượng rác thải nhựa dư thừa bị đổ ra các hố chôn rác hoặc thải bừa bãi ra môi trường. Sự gia tăng đột biến trong lượng rác nhựa nhập khẩu, cộng với lượng rác thải nhựa có sẵn đã khiến Việt Nam đang vật lộn với thách thức của ngành công nghiệp phi chính thức này.
Bên trong làng nghề tái chế rác thải nhựa hàng đầu
Đặt chân tới làng Minh Khai hay làng Khoai, thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, cảnh tượng khiến con người ta cảm thấy choáng váng nhất chính là vô số túi rác trôi nổi trên kênh nước và những con đường nhỏ hẹp nhưng chất đống rác thải nhựa. Từ sân nhà cho tới ngoài đường, rác thải nhựa xếp cao ngất ngưởng. Ngay cả tại lò đốt, rác thải nhựa không tái chế được cũng bị ném vào.
Được biết, Minh Khai là làng nghề chuyên tái chế nhựa có tiếng tại nước ta. Nơi đây sẽ phân loại rác thải nhựa trước đi đem tới tái chế tại các quốc gia công nghệ cao như Nhật Bản, Mỹ và khối châu Âu. Trong những năm gầy đây, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia nhập khẩu phế liệu nhựa lớn, sau thời điểm Trung Quốc - một “ông lớn” đầu ngành đã cấm nhập khẩu vào năm 2018.
Theo báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), hơn 25% công suất tái chế nhựa của Việt Nam tập trung ở các làng nghề như Minh Khai. Theo đó, công suất dự phòng để xử lý nhựa nhập khẩu lên tới 300 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, trên thực tế có tới 420 nghìn tấn phế liệu nhựa được nhập khẩu vào Việt Năm trong năm 2023, tức là tăng 11% so với năm 2022.
Những thách thức đang ngăn cản ngành thương mại phi chính thức trị giá hàng tỷ USD
Các chuyên gia nhận định, hoạt động tái chế rác thải nhựa của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị cản trở do không thể phân loại cách. Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF, chỉ có 30% sản lượng rác thải nhựa được tại Việt Nam là được phân loại tính riêng trong năm 2023.
Theo chuyên gia Kaustubh Thapa, lý do khiến cho việc tái chế nhựa gặp khó khăn là do từ khâu nhập khẩu, rác thải nhựa thường lẫn với rác thải hữu cơ khiến cho việc xử lý trở nên khó khăn, thậm chí không thể xử lý được.
Công ty nghiên cứu FiinGroup cho biết, các công ty tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn ưu tiên phế liệu chất lượng cao hơn từ nước ngoài, bất chấp chi phí vận chuyển cao. Nhập khẩu nhiều là vậy nhưng theo số liệu nghiên cứu của chuyên gia Kaustubh Thapa và các đồng nghiệp đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan, ước tính chỉ có ⅓ lượng rác thải nhựa nhập khẩu là được tái chế.
Phần lớn số rác thải nhựa không tái chế được sẽ bị đổ ra các bãi chôn lấp rác. Theo báo cáo của WWF, 15% trong số đó sẽ bị thải trực tiếp ra môi trường và đại dương. Các chuyên gia của Đại học Utrecht nhận định, việc xuất khẩu rác thải tái chế đến những nơi không có năng lực tái chế phù hợp sẽ tạo ra những rào cản về tính bền vững và công bằng trong thời đại chuyển đổi xanh hiện nay.
Theo dự kiến, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc sắp diễn ra tại Hàn Quốc sẽ thảo luận các quy tắc toàn cầu mới có thể hạn chế hoạt động thương mại này. Theo đó, những yêu cầu chặt chẽ hơn về nhập khẩu rác thải nhựa cũng sẽ được áp dụng tại Việt Nam trong năm 2025.