Bệnh xương khớp 'tấn công' dân văn phòng

Đặc thù công việc đã khiến nhiều người làm văn phòng mắc các bệnh về xương khớp từ đơn giản tới phức tạp, từ thông thường tới nguy hiểm, song không ít người còn chủ quan.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tư vấn sức khỏe xương khớp cho người làm công việc văn phòng. Ảnh: THÀNH CHUNG

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tư vấn sức khỏe xương khớp cho người làm công việc văn phòng. Ảnh: THÀNH CHUNG

Bệnh phổ biến

Chị Đặng Thị Ngọc Bích, 33 tuổi ở TP Hải Dương có gần 10 năm làm quản lý đơn hàng cho một doanh nghiệp nước ngoài ở lĩnh vực may mặc. Dù tuổi còn trẻ nhưng chị Bích đã phải tìm đến các biện pháp trị liệu để giảm đau cổ, vai, gáy. Chị Bích cho biết công việc của chị gắn với máy tính, phải ngồi nhiều, thậm chí có thời gian bận rộn, ngồi liên tục từ 4 - 6 tiếng. Vì thế, cổ, vai, gáy của chị thường xuyên đau mỏi. Mới đầu chỉ mỏi qua loa nên chị Bích không mấy để tâm, về sau khi cơn đau nhức xuất hiện với tần suất nhiều hơn thì cũng là lúc việc điều trị khó khăn hơn.

“Cũng vì chủ quan, nghĩ rằng đau cổ, vai, gáy là chuyện bình thường mà bây giờ tôi phải sống chung với căn bệnh này. Khi đau mỏi tới mức không chịu được, ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống, tôi mới đi khám, được bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ. Hiện tôi không thể ngồi lâu một chỗ và cũng mất một khoản khá tốn kém cho việc trị liệu”, chị Bích than vãn.

Làm công việc kế toán nên chị Nguyễn Hương Mai, 40 tuổi ở huyện Kim Thành phải ngồi nhiều hơn đứng. Do đó, lâu nay chị Mai gặp phải những phiền toái, rắc rối khi bị thoái hóa cột sống. Chị Mai cho biết cũng vì công việc không phải đi lại nên chị ít vận động. Hơn nữa, để thoải mái hơn khi làm việc, chị thường xuyên ngồi không đúng tư thế. Những thói quen này đã âm thầm khiến cột sống của chị Mai bị suy giảm chức năng. Đáng tiếc là chị bỏ qua biểu hiện đau thông thường, khi bệnh trở nặng mới tìm đến bác sĩ để tư vấn, điều trị. Chị Mai than vãn: “Trước đây chỉ vì cố làm xong việc mà tôi ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ. Còn hiện tại tôi không thể ngồi làm việc lâu vì cơn đau nhức hành hạ. Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tôi còn tham gia lớp yoga. Tuy vậy, tình trạng đau thắt lưng của tôi vẫn không thuyên giảm nhiều”.

Theo một số nghiên cứu chỉ ra, khoảng 40% số người làm việc văn phòng mắc các chứng bệnh về xương khớp. Trong đó, bộ phận chịu áp lực nhiều nhất là cổ, vai và lưng. Tuy nhiên, không ít người còn chủ quan, bỏ qua các triệu chứng khiến bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Không thể xem nhẹ

Bệnh xương khớp với dân văn phòng được coi là bệnh nghề nghiệp. Khi khởi phát, bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ là những cơn đau, mỏi nhức thoáng qua. Đến khi bệnh tiến triển nặng mới tìm đến các cơ sở y tế thì việc điều trị phức tạp và tốn kém hơn.

Do đặc thù công việc thường xuyên phải ngồi nhiều và sử dụng máy tính nên dân văn phòng thường xuyên mắc các bệnh về xương khớp

Do đặc thù công việc thường xuyên phải ngồi nhiều và sử dụng máy tính nên dân văn phòng thường xuyên mắc các bệnh về xương khớp

Hơn 50% số khách hàng tới cơ sở massge trị liệu Hải Yến (TP Hải Dương) đều gặp các vấn đề về xương khớp. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ cơ sở cho biết khách hàng sử dụng dịch vụ trị liệu giảm đau mỏi cổ, vai, gáy, đau thắt lưng phần lớn là dân văn phòng. Do bận rộn với công việc trong giờ hành chính nên những người làm văn phòng thường tranh thủ thời gian nghỉ để tới spa để trị liệu, giảm các cơn đau mỏi. Tuy nhiên, chị Yến thường tư vấn khách hàng tới các cơ sở y tế thăm khám, xác định tình trạng bệnh trước khi trị liệu tại spa. “Mức độ đau mỏi xương khớp của mỗi người khác nhau nên biện pháp trị liệu không giống nhau. Mặt khác, dịch vụ tại cơ sở trị liệu chỉ giúp khách hàng giảm bớt cơn đau mỏi nhất thời chứ không phải là biện pháp điều trị hiệu quả lâu dài”, chị Yến cho biết.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, dân văn phòng thường gặp các bệnh lý về xương khớp chủ yếu do 4 nguyên nhân. Việc ngồi lâu có thể gây ra cứng khớp, khô dịch khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đau thắt lưng. Hơn nữa, nếu ngồi không thẳng lưng, hay cúi người, khom lưng khiến khung xương dễ bị lệch, các đốt sống lưng và đốt sống cổ dễ bị tổn thương. Người làm văn phòng ít có thời gian nghỉ trưa nên thường có thói quen ăn vội, ăn thức ăn nhanh, thiếu các dưỡng chất cần thiết, ảnh hưởng tới hoạt động của cơ, xương, khớp. Ngoài ra, những người làm văn phòng thường chỉ làm trong phòng kín, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên cơ thể không tổng hợp đủ vitamin D phục vụ cho quá trình tái tạo canxi, dễ gây ra tình trạng loãng xương.

Theo chuyên gia, bệnh xương khớp ở dân văn phòng ngày càng trẻ hóa và gia tăng. Trong đó, có 5 nhóm bệnh xương khớp phổ biến mà dân văn phòng hay mắc phải là đau lưng và nguy cơ thoái hóa cột sống lưng, đau mỏi vai gáy và dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ, căng cơ, thoát vị đĩa đệm, hội chứng ống cổ tay. “Bệnh xương khớp có thể được điều trị bằng vật lý trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt, thuốc… Nhưng nếu phát hiện, điều trị chậm trễ, người bệnh có thể phải phẫu thuật”, bác sĩ Minh thông tin thêm.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/benh-xuong-khop-tan-cong-dan-van-phong-405063.html