Bí ẩn từ những ''kho thiêng'' trong lòng đền tháp tại thánh địa Cát Tiên

Trong kiến trúc tôn giáo Ấn Độ thì đền tháp là 'ngôi nhà của thần linh', trong đó 'trụ thiêng' là linh hồn của thần linh và 'kho thiêng' là nơi đặt hình ảnh các vị thần và các linh vật mà tín đồ dâng cúng. Trụ thiêng chính là cầu nối giao hòa giữa phần âm ('kho thiêng') và phần dương (tượng thờ) trong chính điện của tháp. Ở khu thánh địa Cát Tiên cũng không nằm ngoài qui luật đó.

Một số hiện vật vàng được phát hiện tại Di tích khảo cổ học Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng

Một số hiện vật vàng được phát hiện tại Di tích khảo cổ học Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng

Các đền tháp ở thánh địa Cát Tiên được xây dựng nhằm mục đích phục vụ tôn giáo và chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nên cũng tuân thủ những qui định khắt khe của giáo luật qui định.

Để xây một kiến trúc tôn giáo, "ngôi nhà của thần linh" phải trải qua các bước chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Trước hết là lựa chọn địa điểm theo phong thủy các vì sao và thế đất - “điểm thiêng” để xây đền. Tiếp đến là dọn mặt bằng, chuẩn bị vật yểm trong trụ thiêng (còn gọi là trụ giới) và hộp thiêng - grabagriha hay còn gọi là kho thiêng. Trụ thiêng là gạch nối liên thông giữa kho thiêng (hộp thiêng) với tượng thờ ở trung tâm tháp. Đây chính là phần "linh hồn" của kiến trúc tôn giáo nên rất được quan tâm. Ngày, giờ xây trụ thiêng cũng phải được chọn trước khi xây kiến trúc bởi nó có ý nghĩa là vị thần được thờ trong chính đền tháp đó. Các vật yểm thường là đá quí (ngọc), các kim loại (ngũ hành) trên đó khắc, tạc các vị nam thần, nữ thần được thờ và các linh vật, do chủ xây dựng và các tín đồ dâng cúng thần linh, có cả những lá vàng khắc những câu chú nhằm khẳng định sự có mặt của thần linh trong kiến trúc. Các tín đồ Ấn giáo quan niệm rằng: thần được thờ có thiêng hay không là phần linh hồn (trụ thiêng), còn cầu nguyện mong ước điều gì thì tín đồ phải xin trực tiếp với thần trong khi cầu nguyện trước thần. Các đền tháp ở Cát Tiên hầu hết thờ thần Siva nên trong khu chính điện - nơi trung tâm lòng tháp, phía trên trụ thiêng thông xuống kho thiêng (hộp thiêng) thường đặt ngẫu tượng linga - yoni. Nhưng qua quá trình khai quật ở đây cho thấy kiểu thức trấn yểm trong các đền tháp, việc sắp đặt các linh vật trong kho thiêng (hộp thiêng) cũng khác nhau. Số lượng và loại hiện vật thu được cũng khác nhau.

Như ở Gò IA trên đỉnh đồi Khỉ, là nơi đền chính thờ “thần chủ” với vai trò trấn giữ, bảo vệ cho toàn khu thánh địa và cả vùng đất rộng lớn. Trụ thiêng của tháp được xây bằng gạch có mặt cắt hình vuông, cao gần 3 m, nằm ở trung tâm chính điện tháp. Xung quanh trụ được nện chặt bằng đất và xà bần. Dưới đáy trụ thiêng là kho thiêng được xây viền bằng những viên gạch hình chữ nhật có kích thước lớn. Trong lòng kho thiêng chứa khối cát vàng đã rửa và làm sạch, trong đó các vật linh được sắp đặt một cách có chủ ý: chính giữa là một hộp bạc có hình khum khum như mai rùa, trong đó đựng 1 linga bằng đồng bịt bạc. Xung quanh hộp bạc là những mảnh vàng dát mỏng khắc tạc hình trang trí văn tự dạng chữ Phạn cổ (chữ Ấn Độ cổ). Bốn góc là 4 linga bằng vàng, đan xen là các mảnh vàng khắc miết, dập nổi hình các thần linh, vật linh và đồ trang sức nhẫn, đá màu.Trong kho thiêng của tháp tại Gò IA, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được 166 mảnh vàng dát mỏng, trong đó có 25 mảnh trang trí các vị thần, thiên tiên, vũ nữ theo đề tài tôn giáo Ấn Độ, 37 mảnh khắc văn tự dạng chữ Phạn cổ. Tất cả các hình ảnh, văn tự trên các lá vàng đều sử dụng kỹ thuật khắc miết hoặc dập nổi. Ngoài ra, còn có 11 mảng đá quí và bán quí. Tháp IA là tháp có "kho thiêng" chứa nhiều hiện vật nhất trong khu thánh địa.

Ở Gò III, khi đào sâu xuống lòng tháp hơn 4,5 m thì xuất lộ kho thiêng. Kho thiêng ở đây được làm dưới dạng là một ô vuông xếp bằng gạch tạo hình chữ thập, bên trong chấn 4 góc là 3 lá vàng khắc hình voi ở các hướng Bắc, Đông, Tây và góc Đông Nam là một hình rùa. Rùa chính là biến tướng của thần Visnu, còn voi là đại diện cho 4 vị thần cai quản ánh sáng ở 4 hướng. Số hiện vật thu được ở đây có 37 hiện vật bằng kim loại và đá bán quí, trong đó có 8 lá vàng khắc chạm hình voi, rùa và 1 lá vàng khắc hình rắn thần Naga 7 đầu, uốn khum hình lòng chảo bên trong chứa đầy tro - điều này cho phép khẳng định đây chính là một tháp mộ.

Ở Gò 6A, khi tiến hành khai quật lần theo trụ thiêng nơi trung tâm chính điện xuống sâu hơn 3,3 m thì tới đáy trụ thiêng. Ở đây thu được 90 hiện vật được làm bằng kim loại vàng và đá quí, thủy tinh, trong đó có một hộp bạc hình ovan với mô típ trang trí rất đặc biệt, trên chạm nổi con sư tử, xung quanh trang trí loại hoa lá rất xa lạ với nguồn gốc bản địa. Các nhà khảo cổ cho rằng nó có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà hay Trung Á, qua Hy Lạp sang Ấn Độ rồi mới vào Việt Nam. Điều này chứng tỏ rằng sự giao lưu văn hóa giữa cư dân cổ ở Cát Tiên với thế giới bên ngoài đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ và phồn thịnh. Ở Gò 6B thì hộp thiêng được chôn 3 linga bằng gốm dạng hộp, bên trong có đựng 1 linga bằng bạc, 1 linga bằng vàng và 1 bằng ngà. Ngoài ra, còn một số hiện vật bằng chất liệu khác.

Việc phát hiện các “trụ thiêng”, “kho thiêng” trong lòng những đền tháp ở thánh địa Cát Tiên (Khu Di tích khảo cổ học Cát Tiên) với kiểu thức trấn yểm khác nhau đã cho thấy rằng đây cũng là một điều bí ẩn như chính chủ nhân của nó, cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã.

ĐOÀN BÍCH NGỌ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202201/bi-an-tu-nhung-kho-thieng-trong-long-den-thap-tai-thanh-dia-cat-tien-3098277/