Bí thư Hà Nội thừa nhận Thủ đô gặp khó di dời các trường đại học, bệnh viện
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố gặp khó khăn trong việc di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô do thiếu cơ chế, nguồn lực.
Chiều 10/11, phát biểu tại tổ thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô là nhiệm vụ được đặt ra từ lâu nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, đây là mấu chốt để Hà Nội giải bài toán giảm dân số và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như ùn tắc, ô nhiễm, úng ngập.
Theo ông Dũng, Hà Nội đã có định hướng quy hoạch thành phố thứ hai ở phía Tây, khu vực Xuân Mai. Đây sẽ là đô thị mới về khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo. Trước khi đặt ra vấn đề này trong quy hoạch, Hà Nội đã bắt tay vào việc di dời các cơ sở trong nội đô.
"Tuy nhiên, hầu hết bệnh viện, trường đại học đều theo cơ chế tự chủ. Bây giờ giao đất mới, liệu các đơn vị có tiền xây hay không", Bí thư nêu khó khăn.
Do đó, khi xây dựng dự thảo luật Thủ đô cần giao thêm thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố. Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư.
"Khi di dời được hệ thống giáo dục đại học tức là giúp chuyển khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, kéo theo gần bằng số lượng đó dân cư đi theo. Đây chính là mục tiêu trong phát triển quy hoạch thủ đô", ông Đinh Tiến Dũng phân tích.
Bí thư Hà Nội cho hay thành phố cũng đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo trục lên phía Tây, như đường bộ lên Xuân Mai, đường sắt đô thị nối Văn Cao - Hòa Lạc và tiếp tục cải tạo tuyến quốc lộ hiện hữu.
Cũng liên quan đến dự thảo Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, luật lần này cần quan tâm làm rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô.
Theo ông, cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu.
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông góp ý, dự thảo Luật cần làm rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung, chưa lý giải rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng như quy định của dự thảo Luật.
"Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương", ông nói thêm.
Năm 2009, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của quy hoạch là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị.
Từ đó đến nay, các đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có trường Đại học Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Mở Hà Nội... vẫn ở lại nội đô, chưa có động thái di dời.