Bí thư Thành ủy Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị

Thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Đinh Tiến Dũng cho rằng, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị …

Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải xây dựng hạ tầng xã hội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, nhà tái định cư ở Hà Nội “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”. Thừa theo nhu cầu vì vừa qua, một loạt dự án người dân chỉ nhận tiền, không nhận nhà, còn thiếu vì theo Luật Đất đai phải có nhà tái định cư mới được triển khai dự án.

Do đó, Đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng, dự thảo nên có hướng mở hơn, hoàn toàn giao cấp tỉnh có thể bố trí từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại để linh hoạt hơn.

“Chẳng lẽ bố trí dân ở phía Tây Hà Nội sang Long Biên nhận nhà tái định cư? Vô lý lắm!” - Đại biểu Đinh Tiến Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh, tình trạng trên dẫn đến hệ quả là thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu và rất ách tắc trong triển khai các dự án giao thông, dự án trọng điểm của thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận tổ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội - Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận tổ

Về trách nhiệm nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị bổ sung chế tài bắt buộc trong luật về việc các chủ đầu tư này phải đảm bảo việc đầu tư hạ tầng xã hội.

“Thực tiễn có chuyện làm nhà làm cửa bán xong nhưng quay đi quay lại rất thiếu hạ tầng xã hội trong các dự án, như thiếu trường học, bệnh viện. Có dự án nhà ở 20 năm nay rồi chưa xây được trường học, dân thì vào ở kín mít”, Đại biểu Đinh Tiến Dũng nêu rõ và cho biết, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đang yêu cầu những dự án không đầu tư hạ tầng xã hội sẽ thu hồi lại.

Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu nhiều bất cập khi chung cư là sở hữu của người dân nhưng lại quy định cải tạo bằng đầu tư công, hoặc việc người dân đóng góp kinh phí kiểm định nhà chung cư.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa nên cải tạo chung cư theo từng khu. Ví dụ nơi nào có 4-5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4-5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại, chỉ làm 1-2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Làm như vậy người dân sẽ có không gian sống đảm bảo hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, khi quy định chung cư có thời hạn, Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân, cưỡng chế di dời khi chung cư xuống cấp, nguy hiểm cũng là bình thường, vì lợi ích của người dân. Hoặc khi chưa đến thời hạn hoặc sát đến thời hạn rồi mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm.

Phải hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng mới được đưa người dân vào ở

Cùng tham gia phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc CATP Hà Nội (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) cho rằng trên địa bàn thành phố, nhiều chung cư xảy ra tình trạng cư dân tụ tập, căng băng rôn, khẩu hiệu để gây sức ép đòi bảo vệ quyền lợi của mình. Dù Thành ủy đã có Nghị quyết, UBND Thành phố đã có chương trình kế hoạch về việc này, song việc giải quyết vẫn rất phức tạp và khó vì không có luật để xử lý.

“Dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với cư dân, giữa doanh nghiệp quản lý vận hành chung cư với cư dân, giữa ban quản lý tòa nhà với cư dân, giữa ban quản lý tòa nhà với chủ đầu tư, mâu thuẫn quanh việc quản lý sử dụng quỹ bảo trì 2%” - Đại biểu Nguyễn Hải Trung chỉ rõ.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội phát biểu thảo luận tại tổ

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội phát biểu thảo luận tại tổ

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, thời gian qua, Công an Hà Nội cùng với một số sở, ngành đã tổ chức hội thảo chuyên sâu về vấn đề này. Ở một số nước phát triển có Luật chung cư riêng gắn với kinh tế, phát triển đô thị, nước ta chưa có luật đó, nhưng chương 9 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề cập đến nội dung này là khá kịp thời và cần thiết.

Trước hiện tượng mâu thuẫn xảy ra tại các khu chung cư, Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, phải xác định rõ nguyên nhân để không xảy ra tình hình phức tạp về ANTT.

“Đầu tiên là việc hoàn thiện hạ tầng trước khi cho người dân vào. Trước kia, nhà chưa xong, chưa thẩm duyệt về PCCC đã cho người dân vào ở, và cũng vì chính lý do này nên không thể cấp “sổ hồng”, “sổ đỏ” cho người dân, dẫn đến khiếu kiện. Do đó, phải có quy định hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng mới đưa dân vào ở và có chế tài đủ mạnh xử lý vấn đề này. Có những biện pháp như tạm cắt điện, nước, song đây chỉ là giải pháp tạm thời, thể hiện sự yếu thế của luật. Đã là luật thì chỉ có được và không được làm...” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, phần diện tích, hạng mục sử dụng chung, riêng phải rất rõ ràng. Cái chung sử dụng vào những việc gì, quyền hạn của cư dân được sử dụng dịch vụ gì, khi chuyển giao phần chung đó cư dân ở đó phải được biết, bởi có hiện tượng nhiều chủ đầu tư xây dựng xong đã bán, cho thuê, chuyển nhượng cho chủ khác...

Về phí bảo trì chung cư, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhận định, thời gian qua, có hiện tượng tranh nhau tham gia Ban quản trị chung cư vì phí bảo trì. Nhưng hiện nay không có cơ chế để xác định tính minh bạch của khoản tiền này. Do vậy, để có căn cứ xử lý khi phát sinh tranh chấp cần quy định rõ ràng về mục đích, thẩm quyền, định mức sử dụng quỹ bảo trì chung cư.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-cai-tao-chung-cu-cu-phai-gan-voi-tai-thiet-do-thi-post541916.antd