Bị tước sao Michelin, chỉ sau vài năm quán ăn bình dân đã mở rộng chi nhánh ra 8 quốc gia
Hành trình trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất châu Á của Chan Hong Meng thật không hề dễ dàng.
Chan Hong Meng nỗ lực bền bỉ sau khi mất sao Michelin
Chan Hong Meng là một đầu bếp gốc Malaysia. Ông đã làm việc trong nhà hàng từ năm 18 tuổi, thế nhưng phải mất đến 20 năm sau ông mới mở một hàng ăn của riêng mình.
Tuy chỉ là một hàng ăn nhỏ bé nằm ở Trung tâm Ẩm thực của khu Chinatown (Singapore) nhưng món cơm gà được nấu tại đây đã chinh phục được hàng nghìn thực khách. Được biết, cơm gà là món ăn quốc dân của Singapore với những nguyên liệu đặc trưng như gà nướng, gạo tẩm gia vị và nước tương.
Vào năm 2016, Chan trở nên nổi tiếng khi hàng ăn của ông vinh dự được trao ngôi sao Michelin, danh hiệu vốn dành riêng cho ẩm thực cao cấp. Giới truyền thông đồng loạt gọi món cơm gà trứ danh có mức giá 2,25 USD (hơn 53.000 VNĐ) là món ăn Michelin rẻ nhất thế giới. Chan tiết lộ rằng có lúc thực khách phải đứng xếp hàng tận 5 giờ để được thưởng thức món ăn của ông.
Chan cảm nhận: “Tôi trở thành người nổi tiếng chỉ trong một đêm. Thế giới biết đến tôi và món ăn do tôi nấu. Giấc mơ thời thơ ấu giờ đã thành hiện thực”.
Nhưng chỉ 5 năm sau đó, hàng ăn của Chan đã mất sao Michelin. Phía Michelin không giải thích lý do rõ ràng mà chỉ đề cập rằng quyết định tước sao là vì món ăn không đáp ứng đủ 5 tiêu chí Michelin. Sự kiện gây sốc đối những người sành ăn trên thế giới, nhưng không phải với Chan, bởi ông đã lường trước viễn cảnh này.
Nỗ lực bền bỉ sau khi mất sao Michelin
Thất bại không làm ông nản chí mà còn trở thành động lực, ông nói: “Khi tôi mất ngôi sao, tôi không nản lòng. Cho dù có sao hay không thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Và tôi không có gì phải buồn bực hay khóc lóc”.
Với nỗ lực bền bỉ, chỉ một năm sau đó, một chi nhánh của Chan trên khu phố Smith (Singapore) đoạt giải thưởng Bib Gourmand - giải thưởng dành cho quán ăn, nhà hàng có trải nghiệm ẩm thực tốt đi kèm mức giá phải chăng.
Ông cho biết: “Giải Bib Gourmand mang lại cho tôi niềm tin rằng tôi vẫn đi đúng hướng trên con đường ẩm thực và sẽ không bao giờ lạc lối”.
Hiện nay, món cơm gà trứ danh của ông vẫn bán đắt như tôm tươi, thậm chí còn vươn mình trở thành “thương hiệu toàn cầu” với hàng chục chi nhánh ở khắp Singapore và 8 quốc gia khác như Úc, Trung Quốc, Kazakhstan.
Theo ước tính của Chan, các chi nhánh phục vụ mỗi ngày 1.000 bữa ăn. Với thành công đạt được, ông vẫn tiếp tục mở rộng thị trường của mình trong thời gian tới, và thị trường đang được nhắm đến tiếp theo là Ấn Độ.
Ông khẳng định: “Tôi muốn mọi người, mọi thế hệ trên thế giới đều ăn Hawker Chan. Tôi cũng hy vọng khi nhắc đến ẩm thực Singapore thì mọi người đều biết tới món cơm gà và thương hiệu Hawker Chan”.
Dù có kinh nghiệm 40 năm làm việc trong ngành ẩm thực, Chan cũng đối mặt với không ít lời phê bình. Trong những năm gần đây, các nhà ẩm thực nhận thấy chất lượng món ăn giảm sút sau khi ông được trao giải Bib Gourmand.
Jeanette Lee, một tín đồ ẩm thực địa phương nhận xét: “Nếu bạn đến ăn ở hàng ăn chính do ông Chan đứng bếp thì đồ ăn vẫn rất ngon và rẻ. Nhưng ở các chi nhánh khác thì khá là tệ, đắt đỏ và nói thật là không đạt tiêu chuẩn”.
Nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng KF Seetoh đánh giá: “Một công thức nấu ăn phải được học hỏi, nghiên cứu cẩn thận và tỉ mỉ. Tôi nghĩ họ đã thất bại là bởi họ chỉ biết sao chép công thức một cách hời hợt”.
Đứng trước những lời phê bình, Chan vẫn khẳng định rằng công thức và cách chế biến của mình vẫn giữ nguyên trong nhiều năm qua. Ông giải thích: “Thịt gà được xử lý trực tiếp tại quán, chỉ có nước sốt được làm tập trung tại bếp chính và được phân phối tới các chi nhánh. Các món ăn được chế biến theo đợt để đảm bảo độ tươi ngon. Khẩu vị của mỗi người là khác nhau nên tôi sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ trích”.
Nguồn: Insider