Bia, rượu và bài toán tăng thuế: Cần đánh giá tác động đa chiều

Ngày 22/4, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo 'Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt'. Bên lề hội thảo, các chuyên gia kinh tế cùng các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đã chia sẻ ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, và nhận định, cần phải đánh giá những tác động đa chiều trước khi quyết định tăng thuế như Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất.

Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt". (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Hội thảo "Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt". (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Kích hoạt tiêu dùng thực chất trong nước

Bên lề Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” do Báo Nhân Dân tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, thời gian qua, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước đã góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt trao đổi với Phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt trao đổi với Phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn, đặc biệt sau khi chính sách thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, gây áp lực lớn lên tăng trưởng tiêu dùng và đóng góp của tiêu dùng vào GDP.

Chung quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho rằng, rượu, bia là mặt hàng có quan hệ rất mật thiết với các dịch vụ tiêu dùng, du lịch. Trong bối cảnh này, Việt Nam nay đang thực hiện chủ trương kích cầu, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng.

“Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT hai phần trăm cho sáu tháng cuối năm 2025, đồng thời tiếp tục giảm thuế VAT này trong cả năm 2026. Điều ấy muốn nói rằng chúng ta đang cần phải giảm các loại thuế đánh vào những hàng hóa tiêu dùng trực tiếp để kích cầu, khuyến khích tiêu dùng của người dân. Thêm vào đó, tình hình thế giới, nhất là chính sách thuế của Mỹ, sẽ có ảnh hưởng rất mạnh đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”. Giáo sư Hoàng Văn Cường cho biết.

Ông Hoàng Văn Cường chia sẻ ý kiến với Phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Ông Hoàng Văn Cường chia sẻ ý kiến với Phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia về môi trường kinh doanh bổ sung: “Những năm qua, mặc dù chúng ta giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng nguồn thu ngân sách vẫn tăng. Điều đó cho thấy doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh và có sự phát triển. Như vậy, chúng ta vừa bảo đảm được nguồn thu, vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia về môi trường kinh doanh. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia về môi trường kinh doanh. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Do đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, việc thay đổi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ hướng đến việc vừa giúp kích hoạt cầu tiêu dùng thực chất ở trong nước, vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp hướng tới sản xuất các nhu yếu phẩm cũng như các mặt hàng ở trong nước, từ đó kéo theo toàn hệ thống lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng ở trong nước có liên kết kèm theo, thí dụ như nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, các loại đồ ăn, thức uống khác… Qua đó, tạo ra vòng quay sản xuất-tiêu dùng, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều rủi ro và bất ổn.

Bảo đảm sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp rượu bia ở Việt Nam trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng bế tắc, giá nguyên vật liệu tăng thậm chí lên tới ba, bốn mươi phần trăm. Doanh nghiệp không bán được hàng. Vì thế, số lượng lao động giảm đi, thu nhập giảm xuống.

Ông Việt dẫn chứng về một doanh nghiệp bia khá lớn ở miền trung, một năm nộp ngân sách cho tỉnh hàng nghìn tỷ đồng thì hiện nay đã đang phải ngừng sản xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, bày tỏ, ngành đồ uống, trong đó có Heineken Việt Nam đang chịu áp tác động nặng nề thông qua chi phí đầu vào gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và áp lực logistics ngày càng lớn. Sức mua trong nước đang có dấu hiệu suy giảm, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, trong các lĩnh vực mang tính nhạy cảm như đồ uống.

Theo tính toán của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, dựa trên số liệu của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bia trong giai đoạn 2009-2013 là gần 2 con số (9,76%). Nhưng trong giai đoạn năm 2016-2019, mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 5%/năm, số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bia đã sụt giảm từ 9,76% xuống còn 6,85%. Nếu tính cả giai đoạn từ 2016 đến 2024 thì tốc độ tăng trưởng ngành bia trung bình chỉ còn 3,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP cùng giai đoạn, trong khi vào giai đoạn trước đó tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bia thường cao hơn hoặc tương đương GDP.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh bày tỏ quan điểm, ngành bia, rượu, nước giải khát hiện đóng góp khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, chưa kể tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Vì vậy mỗi lần thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần hài hòa được lợi ích cho người tiêu dùng đồng thời bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập của người lao động.

Ở khía cạnh khác, theo kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, nếu tăng thuế cao, làm giá thành phẩm tăng cao, người dân có thể tìm đến nguồn hàng nhập lậu, giá rẻ hơn và sẽ ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe người dân.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, hiện có khoảng 63% lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam không rõ nguồn gốc, không chịu sự quản lý và không nộp thuế.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, việc tăng thuế có thể gây ra những hành vi ứng xử nó khác nhau giữa các tầng lớp dân cư. Ở Việt Nam thì phân khúc rượu bia giá tương đối thấp thì được sử dụng khá nhiều. Nếu đánh thuế cao thì có thể có sự chuyển dịch từ cái phân khúc mà họ đang uống, tức là sản xuất được bảo đảm chính thống, chuyển sang những cái mặt hàng khó kiểm soát về chất lượng, thí dụ như rượu lậu, bia cỏ. Việc này làm cho mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa thể đạt được.

Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Tiến sĩ Võ Trí Thành chia sẻ ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: QUỲNH TRANG)

Xem xét lộ trình và mức tăng phù hợp khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia

Đề cập đến tính khả thi và hợp lý trong việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt đối với các mặt hàng như nước giải khát có đường, rượu, bia, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là một vấn đề quan trọng, cần sự tham gia và đánh giá cẩn trọng của các chuyên gia kinh tế, Ban soạn thảo, Bộ Tài chính và kể cả các đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Hòa, chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến một số ngành cụ thể như nước giải khát có đường, rượu bia, mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch Covid-19, nhất là đi kèm với chính sách thuế đối ứng của Mỹ công bố gần đây.

“Thực tế hiện nay các doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn, nên tôi cho rằng trong việc điều chỉnh các sắc thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phải đứng về phía doanh nghiệp. Thu thuế tạo nguồn thu nhưng cũng cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và từ đó đóng góp lại cho ngân sách”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Do đó, theo đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, Ban soạn thảo cần tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia kinh tế và có phân tích, đánh giá khách quan đặt trong bối cảnh những điều kiện sắp tới để điều chỉnh sắc thuế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp, đại biểu Hòa đề xuất cần có lộ trình, khoảng thời gian thích hợp khi tăng thuế để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan về tác động của chính sách này.

Bày tỏ đồng tình việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia, song đại biểu cho rằng phương án 2 như Ban soạn thảo đề xuất “tăng sốc” thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, ông Hòa kiến nghị nên áp dụng theo phương án 1 và có thể tiếp tục nghiên cứu tốt hơn theo phương án 3 như Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam đã đề xuất.

Chung quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với việc cần xem xét việc điều chỉnh lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp để hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

“Cần giảm lộ trình hoặc giãn ra thì mới bảo đảm trong giai đoạn hiện nay vừa phục vụ cho mục tiêu duy trì công ăn việc làm, thu nhập, niềm tin về khả năng bảo đảm các nguồn thu để chi tiêu cho những cái hoạt động của cá nhân cũng như của hộ gia đình, qua đó tạo vòng quay của sản xuất kinh doanh, của các ngành hàng trong dịch vụ và tiêu dùng ở trong nước. Có như thế chúng ta mới thực sự coi tiêu dùng trong nước là bệ đỡ cho tăng trưởng trong giai đoạn nhiều bất ổn và rủi ro từ cầu kinh tế bên ngoài”, TS Việt chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội, lưu ý, luật thuế này có thể được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, nhưng thời gian áp dụng có thể lùi lại. Không nên áp dụng vào năm 2026, trong khi Việt Nam đang mong muốn kích cầu. Và nên lùi sang năm 2027, hoặc năm 2028, vì bối cảnh thế giới hiện nay đang có nhiều biến động, cũng như có thể bảo đảm hài hòa các mục tiêu của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

QUỲNH TRANG, TRỌNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bia-ruou-va-bai-toan-tang-thue-can-danh-gia-tac-dong-da-chieu-post874561.html