Bia rượu vẫn đang tàn phá sức khỏe người Việt
Trong vòng hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ bia rượu nhiều nhất châu Á. Điều này khiến hệ thống y tế ngày càng đối mặt với nhiều ca bệnh nặng do hậu quả trực tiếp từ đồ uống có cồn.

Bệnh nhân nhập viện do sử dụng bia rượu nhiều năm được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.
Những tác hại kinh hoàng
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhân V.Đ.P. (42 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện đau đầu dữ dội, nôn vọt, sốt cao kéo dài và rối loạn ý thức.
Theo người nhà, ông P. có tiền sử nghiện rượu nhiều năm nhưng chưa từng đi khám sức khỏe định kỳ. Trước khi nhập viện khoảng hai tuần, người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường nhưng vẫn tiếp tục uống rượu hàng ngày.
Sau khi được điều trị tại tuyến tỉnh không hiệu quả, ông P. được chuyển lên tuyến trung ương và chẩn đoán mắc viêm màng não do nấm Cryptococcus – một bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm, thường xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm. Các bác sĩ cũng xác định bệnh nhân đang ở giai đoạn xơ gan tiến triển – hệ quả trực tiếp của việc sử dụng rượu bia kéo dài.
ThS.BS Nguyễn Kim Anh - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) lý giải: “Xơ gan do rượu khiến hệ miễn dịch của người bệnh suy yếu nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các tác nhân cơ hội như nấm Cryptococcus xâm nhập. Đây là một trong nhiều hệ quả thường thấy ở bệnh nhân nghiện rượu lâu năm”.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi người Việt từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ hơn 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, cao gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới tại Việt Nam lên tới 77%, thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Dữ liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia – con số được Bộ Y tế đánh giá là “rất đáng báo động”. Đồng thời, 30% số ca nhập viện do các bệnh liên quan đến gan, tụy và hệ thần kinh có liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Trong đó, xơ gan, viêm tụy cấp và các bệnh thần kinh ngoại biên là nhóm bệnh phổ biến nhất. Nghiện rượu còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, thực quản, gan và đại tràng. Ngoài ra, những người sử dụng rượu bia thường xuyên có nguy cơ mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm và suy giảm trí nhớ cao gấp nhiều lần so với người không sử dụng.
WHO cũng chỉ rõ, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 200 loại bệnh, trong đó có các bệnh không lây nhiễm như xơ gan, ung thư, tăng huyết áp, đột quỵ và tim mạch.
BS Vũ Trường Khanh - Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích: “Bia rượu gây ra không ít hệ lụy như tai nạn giao thông, gây mất trật tự nơi công cộng, đặc biệt với sức khỏe con người. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, người uống bia rượu từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thanh quản từ 2 - 5 lần so với người không uống bia rượu. Đối với ung thư thực quản, chỉ cần có uống bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư từ 1,3 - 5 lần so với người không uống bia rượu. Ung thư đại tràng cũng tăng từ 1,2 - 1,5 lần ở người uống bia rượu từ trung bình tới nhiều. Uống bia rượu nhiều cũng làm tăng nguy cơ ung thư tụy từ 1.17 - 1.74 lần… Trong bia rượu có chứa ethanol – một chất không gây độc. Tuy nhiên, khi vào cơ thể, ethanol chuyển hóa phần lớn tại gan và tạo thành acetaldehyde – chất gây tổn thương tế bào gan, dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan trong cơ thể”.
Từ thói quen xã hội tới gánh nặng y tế
Nguy hiểm là vậy, thế nhưng, đối với không ít người, việc sử dụng rượu bia vẫn được nhìn một cách khá “khoan dung”. Bia rượu vẫn được xem là phương tiện “giao tiếp bắt buộc” trong nhiều sự kiện, lễ Tết, công việc và sinh hoạt hàng ngày. Văn hóa “mời rượu không uống là mất lòng” vẫn phổ biến trong các bữa tiệc.
Thậm chí, có một số người cho rằng uống rượu ít hoặc trung bình và điều độ làm tăng cường sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch – điều mà chưa hề có số liệu hay nghiên cứu nào trên toàn thế giới có thể chứng minh. Trong khi đó, số khác lại quan niệm rằng uống rượu, bia “xịn” thì sẽ không hại gan.
Một khảo sát năm 2023 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, 59% người uống rượu bia không nhận thức được nguy cơ sức khỏe lâu dài, trong khi hơn 40% người sử dụng rượu bia thường xuyên không đi khám sức khỏe định kỳ. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ca bệnh nặng mới được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
TS Trần Quốc Bảo - Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức rất cao, đặc biệt là nam giới. Điều đáng ngại là sự thiếu hiểu biết hoặc xem nhẹ hậu quả khiến người uống không chủ động kiểm soát”.
Các chuyên gia y tế đánh giá, để phòng chống tác hại của rượu bia, điều quan trọng hơn là thay đổi nhận thức cộng đồng – từ việc coi rượu bia là “một phần của văn hóa” sang coi đó là “một nguy cơ cho sức khỏe”.
Cần đẩy mạnh giáo dục trong học đường, truyền thông đại chúng và đưa vào chương trình y tế dự phòng, nhằm nâng cao hiểu biết về rượu bia và phòng tránh từ sớm. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong phát hiện sớm các bệnh lý do rượu, khuyến khích khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với những người có nguy cơ như uống rượu nhiều năm, hay có triệu chứng mệt mỏi, đau hạ sườn phải, vàng da, sụt cân không rõ nguyên nhân.