Biến chứng nguy hiểm do tự chữa đau mắt đỏ
Trong các ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế có nhiều trường hợp vì ngại đến bệnh viện, tự ý mua thuốc chữa tại nhà khiến bệnh không khỏi mà còn trở nặng, gây biến chứng suy giảm thị lực, thậm chí có nguy cơ mù lòa.
Gần tháng trở lại đây, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận số người bị mắc bệnh đau mắt đỏ gia tăng.
Cụ thể, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, số ca đau mắt đỏ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, đặc biệt vào thời điểm trẻ bắt đầu quay trở lại trường thì bệnh diễn biến khó lường hơn do nhiều chủng, nguy cơ bùng dịch cao.
Theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, tổng số lượt khám bệnh đau mắt đỏ ghi nhận 71.740 lượt. Trước tình hình số ca đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng cao so với các năm gần đây, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu khảo sát nhanh trên những bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Kết quả enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP Hồ Chí Minh, trong đó chiếm ưu thế là enterovirus (86%).
Còn tại Hà Nội, số ca mắc đau mắt đỏ ở các bệnh viện tăng gấp hai lần so với năm trước, nhiều người bị biến chứng nguy hiểm, chủ yếu ở nhóm sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ. Chỉ trong ba tuần, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận 2.500 trường hợp đau mắt đỏ, chiếm trên 50% tổng số bệnh nhân đến khám. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài thậm chí cả tháng. Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng thông thường của viêm kết mạc cấp, nguyên nhân do adenovirus mà dịch năm nay có diễn biến kéo rất dài với triệu chứng nặng nề khiến điều trị khó khăn hơn.
Trong các ca đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế có nhiều trường hợp vì ngại đến bệnh viện, tự ý mua thuốc chữa tại nhà khiến bệnh không khỏi mà trở nặng, gây biến chứng suy giảm thị lực, thậm chí có nguy cơ mù lòa.
Như trường hợp bà Q.Dần (67 tuổi, Thái Bình), nhà có 4 người thì cả 4 đều bị đau mắt đỏ, gia đình đều không đi khám mà sử dụng thuốc mua ngoài hiệu thuốc để tự chữa. Sau 7 ngày, mọi người đều đã khỏi, chỉ có bà Dần mắt không đỡ, triệu chứng gây khó chịu tăng lên, cuối cùng bà phải đến bác sĩ khám thì mắt đã viêm nặng.
Theo các bác sĩ, bệnh đau mắt đỏ có thời gian ủ bệnh 5 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Tùy vào mức độ của bệnh, nguyên nhân cũng như khả năng đáp ứng với thuốc mà quá trình điều trị có thể từ vài ngày đến vài tuần. Nhiều trường hợp nhập viện thời điểm này bị nặng, có tình trạng giả mạc do virus adenovirus (dạng viêm nhiễm nặng nhất) gây ra.
Virus adenovirus gây viêm kết mạc nặng và có thể gây tai biến mù lòa. Hiện không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lan tràn. Việc kê kháng sinh là để hạn chế và phòng ngừa khả năng bội nhiễm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù lòa.
Ngành Y tế khuyến cáo, với tính chất lây lan rất mạnh, qua các đường tiếp xúc trực tiếp, người dân cần tăng cường đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý một số điều sau: Không đeo kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc; Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân; Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người; Không nên tự mua thuốc về tra; Không nên sử dụng những biện pháp chữa dân gian như xông, rửa mắt bằng lá trầu không.