Biển người 'đội nắng' dự Lễ hội Lam Kinh 2023

Hàng nghìn người dân và du khách nô nức về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) tham dự Lễ hội Lam Kinh 2023.

Hàng nghìn người nô nức dự Lễ hội Lam Kinh 2023. (Ảnh: LT)

Hàng nghìn người nô nức dự Lễ hội Lam Kinh 2023. (Ảnh: LT)

Sáng 6/10, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), đã diễn ra Lễ hội Lam Kinh 2023, nhằm kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang và tưởng niệm 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Mở đầu lễ hội là phần nghi lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống. Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đánh trống khai hội.

Lễ hội năm nay nhằm kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang. (Ảnh: LT)

Lễ hội năm nay nhằm kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang. (Ảnh: LT)

Năm nay, Lễ hội Lam Kinh diễn ra trong tiết trời nắng nóng. Nhưng từ sáng, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh để tham dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ và phần hội gồm chương trình nghệ thuật đặc sắc được sân khấu hóa với chủ đề: “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ”. Hơn 250 nghệ sĩ, ca sĩ, nghệ nhân và học sinh, sinh viên tham gia.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dự chương trình. (Ảnh: LT)

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dự chương trình. (Ảnh: LT)

Chương trình nghệ thuật nhằm tưởng nhớ công lao của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sĩ và Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Tham dự lễ hội, du khách còn được chiêm ngưỡng các điệu múa đặc sắc của trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường...

Trong diễn văn khai mạc, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra nửa đầu thế kỷ XV. Sau 10 năm chiến đấu “nếm mật nằm gai”, năm 1428, khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, đất nước sạch bóng quân thù.

Lễ hội Lam Kinh 2023 gồm 2 phần: Phần nghi lễ và phần hội được dàn dựng công phu. (Ảnh: LT)

Lễ hội Lam Kinh 2023 gồm 2 phần: Phần nghi lễ và phần hội được dàn dựng công phu. (Ảnh: LT)

“Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo trở thành một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; là biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến,...”, ông Tùng nói.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc. (Ảnh: LT)

Chương trình nghệ thuật đặc sắc. (Ảnh: LT)

Rất đông người dân và du khách tham dự Lễ hội Lam Kinh 2023. (Ảnh: LT)

Rất đông người dân và du khách tham dự Lễ hội Lam Kinh 2023. (Ảnh: LT)

Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh, còn diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi như: Trưng bày, thuyết minh về giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long (thời Hậu Lê). Tổ chức quảng bá kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh.

Lường Toán

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-nguoi-doi-nang-du-le-hoi-lam-kinh-2023-post656644.html