Biết trân quý giá trị của lao động từ số tiền nhỏ kiếm được

Mấy đứa chúng tôi chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Chỗ bạc lẻ ấy chỉ đủ mua cây bút hay dăm thức quà ở chợ quê, vậy mà tất cả vẫn háo hức lạ kỳ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người lớn luôn dạy trẻ con không được tự ý tiêu tiền, vì trẻ nào có nhiều tiền sẽ dễ hư hỏng. Điều đó cũng có phần đúng. Khổ nỗi, xưa nay những thứ ước mà không được, lại là cái khiến người ta thèm muốn. Ngày nhỏ, tôi và đám bạn đứa nào cũng muốn có thật nhiều tiền. Có tiền là có quần áo đẹp, bánh kẹo và truyện tranh. Chỉ cần có trong tay những tờ tiền giấy xanh xanh, đỏ đỏ, mọi mong ước khác sẽ được thỏa mãn một cách dễ dàng.

Nhưng cả năm chỉ có một cái Tết để đợi tiền mừng tuổi. Phần lớn lì xì của trẻ con đều bị người lớn giữ hết, nhất là những tờ có mệnh giá cao. Ngày bé, mỗi khi Tết đến, tôi và mấy đứa bạn chỉ thích được mừng tuổi vài nghìn lẻ, vì ít như thế mới được cầm để bỏ vào lợn hay ăn quà. Số tiền ít ỏi đó chỉ tiêu được vài hôm là hết. Đứa nào giỏi tiết kiệm thì còn co kéo được một tháng. Ngồi nghĩ ngợi mãi, cả bọn mới nhận ra rằng: Tìm cách kiếm tiền vẫn hơn là đợi mừng tuổi.

Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng gom dép rách, hay vỏ chai, vỏ lon đi bán, nhưng chẳng được bao nhiêu. Ngày trước đời sống khó khăn, cả năm mới có vài bận trẻ con biết đến lon nước ngọt thì lấy đâu ra cái để mà gom. Đôi dép tổ ong cũ rách một, hai mắt cũng chẳng dám vứt đi. Chúng tôi hì hụi lấy dây nilon buộc lại, dùng tiếp vài tháng, đến khi đế dép mòn vẹt, mỏng ngang bìa cuốn vở, mới được đem bán đồng nát.

Hồi ấy, cái Hiền sang nhà dì ở xã bên cạnh chơi, thấy đám trẻ ở đó đốt củ gấu, bán cho hàng thuốc Bắc, nó thích chí ra mặt. Về nhà, con bé kể cho chúng tôi với giọng đầy hào hứng. Cuối cùng cả đám cũng nghĩ ra cách kiếm tiền!

Tưởng cái gì cao siêu chứ cỏ gấu thì ở quê tôi rất nhiều. Không chỉ là loài cỏ dại, nó còn là một vị thuốc Đông y, với cái tên mỹ miều là hương phụ. Bờ sông Bút ngay trước nhà tôi bạt ngàn cỏ gấu. Chúng tôi vẫn thường lấy phần thân có nhánh hoa xinh xinh để làm nhẫn, hay vòng tay rồi xúng xính cùng nhau vui hội hè trong trí tưởng tượng ngây thơ của con trẻ.

Chiều thứ bảy, cả bọn hăm hở ra bờ sông nhổ cỏ gấu. Vốn là đứa cẩn thận, cái Hiền còn mang cả một chai nước đun sôi để nguội và gói bánh quy Hải Châu để cả nhóm nhỡ đói còn có cái ăn. Thấy bãi sông bạt ngàn cỏ gấu, cả lũ mừng ra mặt. Trong đầu chúng tôi hiện ra viễn cảnh xa xôi, rằng cả ba đứa sẽ nhổ trụi cỏ gấu ở bờ sông. Đến lúc đó thì số tiền mà cả nhóm kiếm được chắc phải bằng tiền mừng tuổi của ba cái Tết cộng lại.

Mơ mộng và thực tế luôn xa nhau vạn dặm. Nhất là mơ mộng của mấy đứa nhóc vắt mũi chưa sạch, chưa biết thế nào là khổ. Nhổ được nửa bao cỏ gấu, đứa nào cũng kêu đau lưng. Mệt thì phải nghỉ ngơi chứ! Thế là chúng tôi hăm hở bóc gói bánh quy ra ăn. Cái Hiền nghe mấy đứa bạn ở xã bên nói phải nhổ được ba bao mới được độ một cân củ gấu khô. Nghĩ đến tiền, nên cả đám động viên nhau đứng dậy.

Nắng gần tắt, đứa nào cũng mệt nhoài. Đang hăm hở làm việc thì thằng Duy la oai oái. Chúng tôi hoảng hồn nhìn nó nhảy tưng tưng rồi lăn lộn trên bãi sông. Hóa ra thằng bé tội nghiệp vừa đạp trúng tổ kiến lửa. Khi tôi và Hiền chạy lại thì hai chân nó bị kiến bu chi chít, sưng phồng lên như người bị ong đốt.

Đến chiều tối, cả 3 đứa mới lê lết về nhà. Đi được 3 bước, thằng Duy lại đưa chân lên gãi. Nó cứ than thở bị nhức và ngứa, nhưng chúng tôi chẳng biết làm sao, đành im re nghe nó kêu ca mà không buông lời trêu chọc như mọi khi. Vừa bước chân vào cổng, tôi đã bị mẹ mắng vì la cà ở đâu cả buổi, chẳng để ý đến nhà cửa, lợn gà.

Sau 3 ngày vất vả với đống cỏ gấu to ngang đống rơm, chúng tôi hùng dũng mang thành phẩm tới hàng thuốc bắc của ông lang ở gần ngõ chợ. Hai mươi nghìn, đó là số tiền đầu tiên cả ba cùng kiếm được. Cả bọn nhất trí giữ lại 3 tờ 500 đồng màu đỏ, màu của may mắn để làm kỷ niệm. Số tiền nhỏ nhoi đó đã dạy chúng tôi biết trân quý giá trị của lao động.

Phương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mong-uoc-kiem-nhieu-tien-cua-nhung-dua-tre-20220329171217841.htm