Bình Định: Thanh tra phát hiện nhiều tồn tại trong sử dụng đất của doanh nghiệp
Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo được yêu cầu tháo dỡ xưởng cơ khí liên quan đến Dự án Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và nguyên liệu giấy.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định vừa ban hành kết luân thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc sử dụng đất của 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện dự án.
Theo đó, từ ngày 30/10/2023 đến ngày 22/11/2023, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra việc sử dụng đất của 1 doanh nghiệp tại thị xã An Nhơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản; 1 doanh nghiệp tại TP. Quy Nhơn hoạt động chế tác sản phẩm đá, đan nhựa giả mây; 6 doanh nghiệp tại thị xã Hoài Nhơn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản, sản xuất nhôm, chế biến hàng mây, tre, lá, hoạt động kho bãi.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, hầu hết, các doanh nghiệp này sử dụng đất đúng mục đích, sử dụng ổn định, không tranh chấp đất đai, thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp chậm sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không quản lý diện tích đất đã được UBND tỉnh cho thuê, để các hộ dân lấn chiếm sử dụng.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ ra Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vĩnh Thịnh (trụ sở TP. Quy Nhơn) không đưa đất vào sử dụng (tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư tại Quyết định số 2143, ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh) là vi phạm quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013. Dự án liên quan là Dự án Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (thời điểm kiểm tra khu đất có 1 nhà bảo vệ, 1 nhà vệ sinh và 1 nhà xưởng nhưng không hoạt động).
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Vạn Phú (trụ sở TP. Quy Nhơn) chưa lập hồ sơ đề nghị thay đổi mục đích sử dụng đất từ Dự án Nhà máy Profile gỗ nhựa sang Dự án Nhà máy chế tác sản phẩm đá, đan nhựa giả mây. Công ty đã xây dựng nhà xưởng và một số hạng mục công trình của Dự án Nhà máy chế tác sản phẩm đá, đan nhựa giả mây nhưng chưa có hoạt động sản xuất.
Tương tự, Công ty TNHH Khai Nghiệp (trụ sở thị xã Hoài Nhơn) chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về việc thay đổi mục đích sử dụng đất từ Dự án Nhà máy chế biến lâm sản sang Dự án Kho chứa hàng hóa. Công ty dừng hoạt động chế biến lâm sản, đang thực hiện hồ sơ đầu tư Dự án Kho chứa hàng hóa do vị trí thuê đất thực hiện Dự án Nhà máy chế biến lâm sản nằm rất gần khu dân cư đang sinh sống có nguy cơ ô nhiễm môi trường và tiếng ồn.
Một trường hợp được Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận “công ty đang tạm dừng hoạt động sản xuất nhôm; các hạng mục công trình sử dụng đất (phục vụ cho hoạt động sản xuất nhôm) không phù hợp với vị trí theo quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND thị xã Hoài Nhơn phê duyệt tại Quyết định số 564/QĐ-UBND ngày 24/6/2020” là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Huy An Khang (trụ sở tại thị xã Hoài Nhơn) tại Dự án Nhà máy sản xuất nhôm tại xã Hoài Đức.
Đối với Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn (trụ sở TP. Quy Nhơn), Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra tồn tại, năm 2012, Công ty được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất diện tích 10 ha nhưng Công ty chỉ xây dựng tường rào bao quanh khu đất với diện tích khoảng 6 ha quản lý sử dụng (tại Dự án Nhà máy chế biến gỗ, dăm gỗ Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn).
Đối với diện tích 4 ha còn lại, 12 hộ dân lấn chiếm đất trồng keo với diện tích khoảng 0,7ha; đối với diện tích 3,3 ha, Công ty xây dựng tường rào vào đầu năm 2023 và chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo tiến độ được UBND tỉnh đồng ý gia hạn tại Văn bản số 7786, ngày 21/12/2022.
Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (trụ sở tại TP. Quy Nhơn) tháo dỡ xưởng cơ khí, khôi phục lại đất trồng cây lâu năm khác (tại Dự án Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và nguyên liệu giấy).
Lý do là Công ty xây dựng 1 xưởng cơ khí trên đất trồng cây hàng năm khác, trong đó có một phần diện tích nằm ngoài ranh giới quy hoạch Cụm công nghiệp Tường Sơn, thị xã Hoài Nhơn, phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch đất hành lang cây xanh cụm công nghiệp (đã bị xử phạt 3 triệu đồng).
Ngoài ra, Công ty xây dựng 1 bể nước phòng cháy chữa cháy và 1 trạm biến áp trên 2 thửa đất lúa do UBND xã Hoài Sơn quản lý, nằm ngoài ranh giới khu đất 33.068 m2 được UBND tỉnh cho thuê đất (nhưng nằm trong ranh giới quy hoạch Cụm công nghiệp Tường Sơn, thuộc Lô A1).
Tuy nhiên, hành vi này chưa bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 91, ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Về hướng xử lý, Sở đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao UBND thị xã Hoài Nhơn chỉ đạo UBND xã Hoài Nhơn có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trong tháng 3/2024.