Bộ ba Khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số: Đưa Việt Nam giàu mạnh và hùng cường trong kỷ nguyên mới
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về vai trò then chốt đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ba yếu tố này sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao...

CĐS vừa là môi trường phát triển, vừa là mục tiêu của KHCN-ĐMST. (Ảnh: MOST)
Nghị quyết khoán 10 về KHCN-ĐMST-CĐS
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN-ĐMST-CĐS được ban hành ngày 22/12/2024. Lấy ngày thành lập Quân đội là để lấy tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Lấy ngày thành lập Quân đội là để coi sự nghiệp KHCN-ĐMST-CĐS đưa Việt Nam hóa Rồng cũng giống như sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tinh thần Khoán 10 của Nghị quyết 57 là: Quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm; trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm; chấp nhận rủi ro, đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể; người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo. Khoán 10 là để thoát nghèo. Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Khoán 10 là để giải phóng sức lao động. Nghị quyết 57 là để giải phóng sức sáng tạo. Từ chỗ thiếu KHCN-ĐMST-CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về các sản phẩm KHCN-ĐMST-CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp. Khoán rất hợp với văn hóa Việt Nam. Có thể chúng ta cũng cần các Nghị quyết khoán cho các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, CĐS là môi trường, là mảnh đất mới để phát triển nhanh KHCN và ĐMST. Bối cảnh phát triển KHCN-ĐMST lúc này là CĐS: KHCN-ĐMST trong kỷ nguyên số, trong môi trường số. Cuộc CMCN 4.0 thì công nghệ số là chính: 50% công nghệ 4.0 là công nghệ số, 50% còn lại dựa trên công nghệ số để phát triển. ĐMST thì đến 80% là ĐMST số (82% kỳ lân công nghệ là kỳ lân công nghệ số). Công nghệ số rất phù hợp với tiềm năng Việt Nam, chúng ta có thể đi nhanh hơn người khác về công nghệ số. Phải đẩy nhanh CĐS, đưa mọi hoạt động lên môi trường số nhanh nhất có thể, để tạo môi trường phát triển KHCN. Và ngược lại, KHCN-ĐMST lúc này cũng tập trung để đẩy nhanh CĐS, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Như vậy, CĐS vừa là môi trường phát triển, vừa là mục tiêu của KHCN-ĐMST.
ĐMST để phát huy hết năng lực của KHCN, để sáng tạo trong quá trình ứng dụng KHCN, tạo ra các giá trị thực tế cho phát triển kinh tế - xã hội. KHCN thời 4.0 phải đi với ĐMST thành một cặp. ĐMST để đưa KHCN vào cuộc sống, là sự ứng dụng KHCN một cách sáng tạo. ĐMST có thể tạo ra giá trị có khi còn lớn hơn bản thân KHCN. ĐMST có khi làm kinh ngạc chính người phát triển ra KHCN. ĐMST cũng rất phù hợp với người Việt Nam, đó là năng lực vận dụng. Vận dụng của người Việt Nam chính là sự ứng dụng có sáng tạo. Vận dụng lại là năng lực cốt lõi của ĐMST. KHCN Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá, đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nếu nó đi cùng với CĐS và ĐMST, Bộ trưởng tin tưởng.
Bài toán vĩ đại tạo ra những con người vĩ đại
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 35 năm qua, tính từ 1990, có 34 quốc gia từ thu nhập trung bình trở thành thu nhập cao. Nhưng chỉ có 10 - 12 quốc gia được coi là nước phát triển, thí dụ như Hàn Quốc, Israel, Cộng hòa Séc, Ba Lan. Đó là những quốc gia đạt thu nhập cao thông qua KHCN-ĐMST-CĐS, có trình độ công nghiệp hóa cao, có năng suất lao động cao, có thể chế ổn định, hạ tầng hiện đại, hệ thống giáo dục, y tế phát triển.
Nếu tính cả tăng dân số, thì để đạt ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045, GDP Việt Nam phải tăng ít nhất 5 lần trong 20 năm tới. Nếu 10 năm đầu tăng trưởng 10% thì 10 năm tiếp theo vẫn phải tăng trưởng 7% thì mới đạt mục tiêu trăm năm thứ 2. Tăng trưởng 2 con số liên tục trong 10 năm tới là bắt buộc. Việt Nam chúng ta hướng tới cả 2 mục tiêu: Thu nhập cao và phát triển. Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì đóng góp vào tăng trưởng GDP của KHCN-ĐMST-CĐS phải trên 50%. ĐMST cần được đại chúng hóa, nếu chúng ta xây dựng được tinh thần ĐMST ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, đến từng người dân thì ĐMST sẽ tạo ra tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn nữa. Có thể không phải 3%, mà ĐMST sẽ tạo ra 4% tăng trưởng GDP.
Cùng đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, CĐS tạo ra 1 - 1,5% GDP thì không khó. Chỉ một việc tăng gấp đôi tốc độ di động thì đã cho 1% GDP. Hạ tầng số phải được đặt ngang hàng với hạ tầng giao thông, Nhà nước phải tham gia đầu tư để hạ tầng này vượt trội, đi trước.
Cuộc cách mạng số tạo ra khá nhiều sự phá hủy mang tính sáng tạo và tạo ra sự phát triển đột phá. Bởi vậy, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ số có ý nghĩa quyết định. Bộ KH&CN đề xuất, Luật KH,CN và ĐMST sẽ quy định các nguyên tắc về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát...
Cách thúc đẩy nhanh nhất CĐS là bằng các quyết định hành chính. Quy định mọi hoạt động của Nhà nước phải thực hiện trên môi trường số. CĐS không phải vấn đề công nghệ. Cũng không phải vấn đề đầu tư, vì CĐS không tốn kém nếu dùng các nền tảng số dùng chung.
Bên cạnh đó, khi GDP đã trên 4000 USD/người và Nhà nước có định hướng phát triển dựa trên KHCN-ĐMST thì các doanh nghiệp trong nước bắt đầu sáng tạo nhiều, họ cũng cần bảo vệ sở hữu trí tuệ. Và điều quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một quốc gia không phát triển KHCN-ĐMST thì có thể để việc “ăn cắp” sở hữu trí tuệ tràn lan. Việt Nam đã đến lúc phải làm tốt sở hữu trí tuệ để phát triển KHCN-ĐMST. Sở hữu trí tuệ biến kết quả nghiên cứu thành tài sản để có thể giao dịch, khi đó mới có thị trường KHCN-ĐMST. Chuyển dịch quan trọng nhất của sở hữu trí tuệ là chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.
Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức rất lớn, đang làm những việc rất khó, chưa từng có, có cái chưa từng có tại Việt Nam, có cái chưa từng có trên thế giới. Đó là, tăng trưởng 2 con số khi GDP/người đã 5.000 USD, tinh gọn bộ máy (nhập bộ, nhập tỉnh, nhập xã và bỏ huyện), giải quyết các vấn đề của 2 đô thị siêu nén là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ... Việc giải quyết các vấn đề của đô thị lớn thì khó nhất là phải thử nhiều phương án để tìm phương án tối ưu, nhưng thử thì tốn kém và mất thời gian. Nếu có thể mô phỏng thì việc thử các phương án sẽ rất nhanh và hiệu quả. Lời giải ở đây là đầu tư bản sao số của thành phố, có thể chưa cần mô phỏng cả thành phố, mà trước mắt tập trung vào các bài toán như quy hoạch, thoát nước, tắc đường. Chi phí không phải quá lớn đối với 1 thành phố lớn. Ví dụ, Singapore chi 73 triệu USD để tạo ra một bản sao số 3D chi tiết của cả đất nước Singapore, hỗ trợ cho quy hoạch đô thị và quản lý tài nguyên.
KHCN-ĐMST-CĐS vốn là việc khó, rất ít nước làm được. Mọi người chỉ làm và có thể làm được khi bị bắt buộc phải làm, khi không có lựa chọn nào khác. Những việc mà Việt Nam đang đối mặt thì không có lựa chọn nào khác là KHCN-ĐMST-CĐS.
Ở một góc nhìn khác thì chính những khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt lại là bài toán cho KHCN-ĐMST-CĐS. Trong khi nguồn lực của Việt Nam đang có hạn thì việc tập trung vào giải quyết các bài toán có tính ưu tiên này lại là việc không dàn trải, có tập trung. Trọng tâm vốn là cái mà chúng ta lâu nay chưa làm được. Vậy, KHCN-ĐMST-CĐS hãy tập trung vào giải quyết những bài toán cấp bách này, tính khả thi sẽ tăng lên. Có ngân sách chi cho các việc lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm có thể phải cần đến hợp tác, sẽ phải thu hút tinh hoa và nhân tài thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ, KHCN-ĐMST-CĐS phải tập trung vào giải quyết các bài toán lớn của đất nước, như tăng trưởng 2 con số; tinh gọn bộ máy; vấn đề của 2 đô thị siêu nén Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tăng trưởng chất lượng cao; làm chủ công nghệ chiến lược; ô nhiễm môi trường... “Bài toán vĩ đại, việc vĩ đại của đất nước, do Đảng đặt ra, sẽ tạo ra KHCN-ĐMST-CĐS xuất sắc, tạo ra con người xuất sắc và tạo ra nhân tài cho Đảng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng...
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 sẽ được sửa đổi thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên, ĐMST được đặt ngang với KHCN. Nhấn mạnh ĐMST là nhấn mạnh khía cạnh ứng dụng của KHCN. Đây là thay đổi quan trọng.
Khoa học tạo ra tri thức mới. Từ tri thức mới thì công nghệ được phát triển. ĐMST là ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới, quy trình mới, mô hình kinh doanh mới. Chỉ đến lúc này, KHCN mới thực sự tạo ra giá trị thực tiễn, góp phần vào phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từ một công nghệ có thể có hàng ngàn ứng dụng mà nhà phát triển công nghệ cũng không biết đến, đây là đặc điểm rất quan trọng của các công nghệ thời 4.0 (trước đây một công nghệ thường chỉ có một sản phẩm), bởi vậy mà cần ĐMST để từ một công nghệ nền tảng sẽ ra các ứng dụng khác nhau cho các lĩnh vực khác nhau, cho các doanh nghiệp khác nhau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới có thể chỉ đơn giản là mua một cái mới về dùng. Còn ĐMST là mang cái mới về dùng nhưng có sáng tạo dựa trên thực tiễn của mình để tạo ra cái mà ngay cả người bán cái mới cho mình cũng không biết. “Chúng ta phải hiểu rất đúng về ĐMST: Mang cái mới về nhưng sáng tạo thêm cái mới nữa trên cái mới đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc nghiên cứu phát triển KHCN thì dành cho nhóm nhỏ. Nhưng ĐMST là dành cho tất cả: mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi người. ĐMST có thể đại chúng hóa, Việt Nam muốn phát triển đột phá thì phải đại chúng hóa. Bác Hồ đã dạy, cái gì mà kết hợp được cả ba: dân tộc, khoa học và đại chúng, thì sẽ thành công.