Bộ Công an: Giấy phép con và cơ chế cấp quota hạn ngạch nhập khẩu vàng dễ dẫn đến việc tiêu cực

Đây là lo ngại của Bộ Công an khi theo dự thảo Nghị định 24 sửa đổi có quy định rất nhiều giấy phép, giấy phép con trong việc kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu vàng.

Theohồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định, các bộ ban ngành đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về các quy định mới về lĩnh vực này.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng và tạo cơ chế cho phép nhập khấu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, xét tổng thế tại dự thảo Nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép nguy cơ xuất hiện cơ chế “Giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “Giấy phép con” và cơ chế cấp quota hạn ngạch sản xuất vàng miếng/hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.

Các giấy phép được đề cập đến như: Giấy phép sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng),...

Cùng với đó, theo dự thảo Nghị định sẽ có nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện vốn điều lệ để được cấp phép sản xuất vàng miếng /nhập khẩu vàng nguyên liệu như 03 công ty (SJC, PNJ, DOJI), 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và 4 Ngân hàng thương mại cổ phần (VPBank, Techcombank, MB và ACB).

"Với cơ chế “Giấy phép con” và cấp quota hạn ngạch trên dễ dẫn đến việc tiêu cực cấp phép phát sinh, nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng/nhập khẩu phân phối vàng nguyên liệu vào nhóm đơn vị được cấp phép, khó khăn trong quản lý việc sản xuất, nhập khẩu vượt hạn mức và việc mua bán giấy phép/hạn ngạch, nếu thiếu cơ chế quản lý, giám sát, hậu kiểm chặt chẽ.", theo ý kiến lo ngại từ Bộ Công an.

Ngoài các hình thức giấy phép nêu trên, dự thảo Nghị định vẫn quy định các Giấy phép con như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... Bộ Công an cho rằng các giấy phép này có thể “tăng áp lực” về thủ tục hành chính, tạo “rào cản” cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.

Phản hồi về ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dự thảo Nghị định 24 sửa đổi đã bám sát chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về việc xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Dự thảo Nghị định quy định quy định các điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng với mục tiêu lựa chọn các doanh nghiệp, NHTM có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện việc sản xuất vàng miếng, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

"Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thông qua cơ chế cấp phép trong giai đoạn hiện nay là phù hợp", NHNN nêu ý kiến.

Về việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, NHNN cho rằng NHTW là đơn vị có chức năng hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia với mục tiêu nhằm ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chịu trách nhiệm thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về các hoạt động kinh doanh vàng theo dự thảo Nghị định.

Bởi vậy, căn cứ các mục tiêu của chính sách tiền tệ, cân đối cung - cầu từng thời kỳ, NHNN sẽ linh hoạt kiểm soát hạn mức nhập khẩu vàng để đảm bảo các mục tiêu tổng thể vĩ mô.

Về quy trình thực hiện, NHNN xây dựng, điều chỉnh tổng hạn mức hàng năm đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trên cơ sở cụ thể:

Thứ nhất, tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ;

Thứ hai là quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;

Thứ ba là tình hình thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trên cơ sở tổng hạn mức hàng năm, NHNN thực hiện cấp hạn mức hàng năm cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp, NHTM;

Thứ tư là tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.

Dự thảo Nghị định cũng giao Thống đốc NHNN quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.

Trên cơ sở hạn mức hàng năm, các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần. Quy trình thủ tục cấp hạn mức và giấy phép được hướng dẫn tại Thông tư, văn bản hướng dẫn của NHNN để đảm bảo công khai, minh bạch.

"Việc xây dựng cơ chế cấp hạn mức hàng năm và cấp Giấy phép từng lần là cần thiết để NHNN quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp, NHTM đúng mục đích, nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp, NHTM, đồng thời đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.", theo NHNN.

H.T

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bo-cong-an-giay-phep-con-va-co-che-cap-quota-han-ngach-nhap-khau-vang-de-dan-den-viec-tieu-cuc.html