Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu Vingroup?
Cổ phiếu VIC đang trải qua giai đoạn tăng điểm ngoạn mục, tiến lên vùng giá cao nhất 4 năm qua. Với mức tăng 2,7 lần chỉ sau nửa năm, VIC là mã ảnh hưởng lớn nhất tới VN-Index.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng với các đối tác thương mại toàn cầu hồi đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào một trong những sóng tăng lớn nhất từ trước đến nay.
Sau 3 tháng, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 370 điểm, tương đương mức tăng ròng hơn 34%. Riêng trong tháng 7, chỉ số đã tăng thêm 94 điểm, đưa VN-Index vượt qua mốc 1.470 điểm, chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 70 điểm.
Đà tăng của chỉ số có sự đóng góp đáng kể từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã trong hệ sinh thái Vingroup. Trong đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup ghi nhận mức ảnh hưởng lớn nhất khi đóng góp hơn 26 điểm tăng vào chỉ số VN-Index trong một tháng trở lại đây, vượt xa các mã vốn hóa lớn khác như VHM, VCB, TCB, HPG hay CTG.
Vốn hóa 4 công ty "họ Vin" vượt 1 triệu tỷ đồng
Kết phiên 14/7, cổ phiếu VIC dừng ở mức 113.000 đồng/cổ phiếu, thiết lập vùng giá cao nhất trong hơn 4 năm. So với đầu năm, thị giá VIC đã tăng đột biến tới 2,7 lần.
Nhờ đó, vốn hóa của Tập đoàn Vingroup đã tăng lên 438.200 tỷ đồng (khoảng 16,8 tỷ USD), giữ vững vị trí doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và đứng thứ 2 toàn sàn HoSE, sau Vietcombank.
Cùng với VIC, các cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái gồm VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail) và VPL (Vinpearl) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể từ hàng chục cho đến hàng trăm %.
Hiện tại, Vinhomes có vốn hóa 364.700 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD), Vincom Retail đạt 65.100 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) và Vinpearl đạt 165.700 tỷ đồng (khoảng 6,4 tỷ USD).
Tổng cộng, vốn hóa thị trường của 4 doanh nghiệp “họ Vin” đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD. Con số này tương ứng khoảng 16% tổng giá trị vốn hóa của toàn sàn HoSE - mức chi phối đáng kể trong cơ cấu thị trường.

Cổ phiếu VIC đã tăng 2,7 lần trong năm nay. Ảnh: TradingView.
Cổ phiếu VIC cũng là yếu tố trực tiếp giúp giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Với 449,9 triệu cổ phiếu VIC nắm giữ trực tiếp (tương đương 11,6% vốn điều lệ), giá trị cổ phần riêng tại Vingroup của ông Vượng đã lên tới gần 51.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ Forbes, tổng tài sản của ông Vượng tính đến giữa tháng 7 đã đạt 11,9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Với khối tài sản này, ông hiện đứng thứ 224 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới và tiếp tục là người giàu nhất Việt Nam. Ông cũng là công dân Việt Nam đầu tiên ghi nhận tài sản ròng vượt mốc 10 tỷ USD.
Vì sao cổ phiếu Vingroup "thức giấc" sau nhiều năm "ngủ quên"?
Trong vài năm gần đây, cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup giao dịch tương đối trầm lắng. Ngay cả “đầu tàu” VIC cũng ghi nhận nhiều thời điểm gần như đi ngang, dao động quanh vùng giá 40.000-48.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2024, cổ phiếu này chỉ ghi nhận 2 nhịp tăng nổi bật vào tháng 2 và cuối tháng 8, chủ yếu nhờ xu hướng hồi phục chung của thị trường và hiệu ứng từ thương vụ mua lại cổ phiếu quy mô lớn nhất lịch sử của Vinhomes.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, loạt thông tin tích cực liên tiếp xuất hiện đã giúp thay đổi tâm lý nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này.
Đầu tiên là việc Vinpearl chính thức nộp hồ sơ niêm yết lên sàn HoSE. Đây là động thái được đánh giá đáng chú ý trong bối cảnh thị trường gần như vắng bóng các thương vụ IPO lớn suốt thời gian dài.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ của Vingroup có quy mô 2.870 ha, trong đó diện tích lấn biển hơn 1.357 ha. Ảnh: Quỳnh Danh.
Bên cạnh đó, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ do Vingroup làm chủ đầu tư đang đạt những bước tiến rõ rệt. Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc phê duyệt giá đất cho dự án này.
Dự án có tên thương mại là Vinhomes Green Paradise, tọa lạc tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cũ. Trước đó, vào tháng 4, dự án đã chính thức được động thổ với quy mô 2.870 ha. Đây là một trong những tổ hợp đô thị du lịch có quy mô lớn nhất cả nước, bao gồm nhà hát lớn nhất Đông Nam Á, biển hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, 2 sân golf tiêu chuẩn quốc tế, tháp đa năng 108 tầng cùng chuỗi khách sạn - thương mại - giáo dục - giải trí quy mô lớn.
Không dừng lại ở các dự án hiện hữu, Vingroup còn được kỳ vọng tham gia vào nhiều công trình hạ tầng trọng điểm.
Sau khi thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed vào ngày 6/5 với vốn điều lệ ban đầu 6.000 tỷ đồng.
Mới đây, VinSpeed đã đăng tuyển hàng loạt vị trí cấp cao thuộc các khối kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và quản lý dự án phục vụ các dự án. Đây là đợt tuyển dụng quy mô lớn đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp thành lập. Đại diện VinSpeed cho biết việc tuyển dụng nhân sự kể trên là để triển khai dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh. Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, công ty đang chờ quyết định phê duyệt chủ đầu tư từ phía Chính phủ.

Vingroup đã được giao lập đề xuất dự án đường sắt cao tốc đi Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận định đà tăng giá của cổ phiếu VIC còn đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng khác.
Trong đó, đáng chú ý là việc chu kỳ kinh tế đã bước sang giai đoạn phục hồi và kỳ vọng nâng hạng thị trường sẽ tạo tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC. Ngoài ra, sự ấm lên rõ nét của thị trường bất động sản cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của các mã đầu ngành như VIC và VHM.
Tại báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng xác suất Việt Nam được nâng hạng trong năm nay lên tới 90%. Riêng với FTSE, việc nâng hạng được dự báo có thể hút vào thị trường khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa kể các dòng vốn chủ động.
SSI cũng đưa ra danh sách 15 cổ phiếu tiềm năng được hưởng lợi, trong đó nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) là điểm nhấn với khả năng thu hút ròng hơn 300 triệu USD vốn ngoại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-co-phieu-vingroup-post1568689.html