Bộ Công Thương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu 3 công ty cổ phần về SCIC
Chiều 22/4/2025, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần từ Bộ Công Thương.
Lễ chuyển giao 3 công ty cổ phần từ Bộ Công Thương
Chiều 22/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 3 Công ty cổ phần từ Bộ Công Thương sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đây là sự kiện nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC.
Đồng chủ trì buổi lễ, về phía Bộ Công Thương có bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Về phía Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước có ông Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (hàng đầu, bên trái) tham dự buổi lễ.

Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC (hàng đầu, bên phải) tham dự buổi lễ.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước từ Bộ Công Thương về SCIC gồm Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may (VTRI), Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (CONEXIM).
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết lễ chuyển giao hôm nay là sự kiện quan trọng đối với Bộ Công Thương, SCIC và đặc biệt là 3 công ty cổ phần.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, đây là kết quả cụ thể của quá trình phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC để tổng công ty thực hiện vai trò quản lý vốn chuyên nghiệp.
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 104/TB - VPCP ngày 27/7/2024 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Công Thương về SCIC, Bộ Công Thương và SCIC cùng các công ty cổ phần đã phối hợp chặt chẽ, tích cực trao đổi, thống nhất để hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cần thiết theo đúng quy định của pháp luật cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần.
Hiện tại, 3 công ty cổ phần có vốn điều lệ là 178 tỷ đồng (trong đó IMI: 65 tỷ đồng; CONEXIM: 63 tỷ đồng; VTRI: 50 tỷ đồng). Tổng số vốn nhà nước là 115,3 tỷ đồng, với tỷ lệ tương ứng ở các đơn vị là IMI 74,99%; CONEXIM: 60,17% và VTRI 57,45%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngay khi nhận được hồ sơ, tài liệu của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị đầu mối là Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét, phối hợp với bộ phận đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có các văn bản để SCIC nghiên cứu, xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, phối hợp và thống nhất với Bộ Công Thương về nội dung chuyển giao theo quy định.
"Đến nay, các số liệu tại hồ sơ bàn giao đã được bộ phận chuyên môn của các bên thống nhất, các công việc liên quan giữa Bộ Công Thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo thực hiện chuyển giao, đồng thời, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành", Thứ trưởng Phan Thị Thắng thông tin.
Quyết tâm của Bộ Công Thương về triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC thông tin, từ năm 2007 đến năm 2024, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành Trung ương đi đầu trong việc thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với SCIC để hoàn thiện các thủ tục chuyển giao tổng cộng 76 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước tiếp nhận đạt 14.230 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 23.994 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC phát biểu.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, SCIC đã chủ động tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện công tác thoái vốn đúng theo chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã hoàn tất việc thoái vốn tại 67 doanh nghiệp, còn lại 9 doanh nghiệp đang trong quá trình tiếp tục quản lý.
"Việc chuyển giao vốn nhà nước tại ba doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may, Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, và Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp diễn ra trong ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Bộ Công Thương, SCIC và các doanh nghiệp trong việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tái cấu trúc doanh nghiệp", ông Nguyễn Chí Thành nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Thành, SCIC đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để thực hiện chuyển giao 6 doanh nghiệp còn lại. Trong đó, ba doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ba doanh nghiệp còn lại bao gồm Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE), và Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đang được đề xuất chuyển giao.

Quang cảnh buổi lễ.
Sau khi tiếp nhận các doanh nghiệp này, SCIC sẽ thực hiện công tác quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch, từng bước chuẩn hóa theo quy định hiện hành. Việc tiếp nhận, quản lý và thoái vốn tại các doanh nghiệp trên chính là minh chứng cho gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.
"Trong thời gian tới, SCIC mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ từ Bộ Công Thương để xử lý dứt điểm các tồn tại tại một số doanh nghiệp sau chuyển giao như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành thép và một số trường hợp khác, đồng thời hoàn thiện hồ sơ và thủ tục tiếp nhận sáu doanh nghiệp từ Bộ Công Thương theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước", ông Nguyễn Chí Thành phát biểu.

Ông Đỗ Văn Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp phát biểu.
Tại buổi lễ, đại diện cho 3 công ty cổ phần được chuyển giao, ông Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp gửi lời cảm ơn Bộ Công Thương đã quan tâm để các đơn vị đạt được các kết quả thời gian qua. Đồng thời, ông Vũ khẳng định thời gian tới các công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với SCIC, tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định, chiến lược và nỗ lực trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh được SCIC giao. Các đơn vị mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương với tư cách Bộ quản lý chuyên ngành.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và SCIC ký biên bản chuyển giao.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và SCIC công bố biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần từ Bộ Công Thương sang SCIC.
Kết thúc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành đã ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 3 công ty cổ phần từ Bộ Công Thương sang SCIC.