Gió kinh tế đổi chiều, ngành công nghiệp thời trang cũng bắt đầu 'thay áo'

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế đang chực chờ phía trước, ngành công nghiệp thời trang được dự đoán sẽ chuyển mình theo xu hướng khiêm nhường và thiết thực hơn, với sự lên ngôi của gam màu trung tính, phom dáng kín đáo và phong cách tối giản…

Giống như một tấm gương phản chiếu thời cuộc, ngành thời trang khó có thể đứng ngoài những chiều gió kinh tế. Trong một cuộc thảo luận với Business Insider, các chuyên gia trong ngành cùng đồng tình rằng nếu suy thoái xảy ra, các tông màu trung tính, kiểu dáng kín đáo và phong cách tối giản sẽ thống trị sàn diễn và cửa hàng thời trang.

“Xét về giai đoạn lịch sử từ thập niên 1930 đến năm 2008, các cuộc suy thoái trước đây cho thấy môi trường thời trang cũng trở nên trầm lắng hơn giống như tâm lý chung của thị trường”, bà Monisha Klar, giám đốc mảng thời trang tại công ty dự báo xu hướng WGSN cho biết.

“Khi tương lai trở nên bất định, thời trang có xu hướng quay về với những điều quen thuộc”, bà Sarah Owen, một chuyên gia dự báo xu hướng kiêm nhà nghiên cứu xã hội học chia sẻ với Business Insider. Ví dụ, trong thời kỳ Đại Khủng hoảng, gấu váy càng trở nên dài hơn. Sau cuộc suy thoái dot-com năm 2001, người ta quay lại với phong cách an toàn, kín đáo, trong khi cuộc Đại suy thoái 2008 lại dẫn đến sự lên ngôi của thẩm mỹ tối giản.

Nói một cách bao quát hơn, khi xảy ra bất ổn kinh tế, thời trang thường sẽ nhìn lại về quá khứ thay vì chạy theo những cái mới táo bạo hơn, trích lời giáo sư lịch sử nghệ thuật Anne Higonnet tại Barnard College.

“Người tiêu dùng sẽ nhanh chóng rời xa phong cách tối đa (maximalism), vì họ tìm kiếm sản phẩm đa năng phù hợp hơn với ngân sách cuộc sống hàng ngày”, bà Monisha Klar từ WGSN nói, dự đoán rằng các thiết kế mang tính ứng dụng cao như thời trang công sở sẽ được ưa chuộng cả ở nơi làm việc lẫn đời sống thường nhật.

Trong dòng chảy biến động ấy, một trong những điểm sáng được nhắc tới nhiều nhất là thời trang cao cấp. Đây sẽ là phân khúc có sự chuyển mình tinh tế nhất bởi lẽ giới siêu giàu vẫn sẽ tiếp tục mua sắm hàng xa xỉ khi họ không bị ảnh hưởng quá nhiều vì suy thoái, nhưng phong cách ăn mặc và hình ảnh họ thể hiện ra ngoài vẫn sẽ phản ánh chung của xã hội. Điều này cũng đã từng được thấy trong quá khứ, ví dụ như sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. “Người ta cho rằng khoe khoang của cải là khiếm nhã, vì quá nhiều người đã mất tất cả gia tài”, bà Dana Thomas, nhà phân tích thời trang, chia sẻ.

Chính vì vậy mà phong cách xa xỉ thầm lặng (quiet luxury) chắn chắn vẫn sẽ giữ vững được “ngôi vương”. “Sự xa xỉ không bao giờ biến mất. Nó chỉ trở nên thầm lặng hơn mà thôi”, bà Sarah Owen nhấn mạnh.

Nhưng ngay khi giới giàu có vẫn sẵn sàng “chịu chi”, thì điều này không có nghĩa là các hãng thời trang cao cấp vẫn nằm trong vùng an toàn.

Trên thực tế, LVMH, tập đoàn sở hữu các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton và Dior, đã không đạt chỉ tiêu doanh thu quý đầu tiên của năm 2025. “Ông lớn” Hermès cũng đưa ra thông báo sẽ tăng giá bán tại Mỹ để chuẩn bị ứng phó với tác động từ các mức thuế quan.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump sẽ có tác động cực kỳ lớn đến ngành thời trang vì theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, nước này đã nhập khẩu 19,6 tỷ USD hàng dệt may và quần áo từ Trung Quốc vào năm 2023.

Dù một số hoạt động sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận như Việt Nam và Campuchia, nhưng đây vẫn là sẽ là “đòn giáng” mạnh nhất mà ngành thời trang nhanh từng đối mặt.

“Các công ty không thể đơn giản chuyển nhà máy sang Mỹ mà vẫn giữ nguyên giá bán”, giới chuyên gia lưu ý.

Và tất nhiên, không chỉ thời trang nhanh mới chịu ảnh hưởng nếu thuế quan dưới thời Trump tiếp tục leo thang. “Một lầm tưởng phổ biến là Trung Quốc chỉ sản xuất đồ rẻ tiền. Trên thực tế, các nhà máy ở Trung Quốc có thể sản xuất hầu hết tất cả mọi thứ, từ áo Cotton Shein 5 USD cho đến áo len cashmere Ralph Lauren trị giá hàng trăm USD”, bà Sarah Owen lưu ý.

Ngoài ra, cả 3 chuyên gia đều dự đoán thị trường đồ cũ (re-sale) sẽ phát triển vượt bậc, trong khi các thương hiệu thời trang tầm trung có thể sẽ gặp khó khăn hơn cả. Lý do là bởi nhóm khách hàng trung lưu dễ dàng chuyển sang mua thời trang nhanh hoặc những thương hiệu bình dân hơn. Còn những khách hàng trung thành với thế giới xa xỉ lại khó có khả năng thay đổi.

“Phân khúc hàng hiệu tầm trung luôn là nhóm chịu áp lực đầu tiên. Nó vừa không thiết yếu lại cũng chưa đủ đẳng cấp để người ta phải theo đuổi”, bà Sarah Owen giải thích.

Khi bất ổn kinh tế dường như là điều chắc chắn duy nhất, mọi thứ – từ áo polyester rẻ tiền đến len cashmere cao cấp – đều sẽ tìm đến phiên bản an toàn riêng trong thời trang. Như Dana Thomas kết luận: “Nếu tình hình cứ kéo dài thế này, chúng ta sẽ tiếp tục mặc màu be mà thôi.”

Minh Hương

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/gio-kinh-te-doi-chieu-nganh-cong-nghiep-thoi-trang-cung-bat-dau-thay-ao-post559458.html