Bộ Công thương đề nghị tính toán lại nhiều loại thuế, phí với xăng dầu
Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu đã áp dụng từ 2014 đến nay.
Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại một số loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.
Bộ Công thương vừa kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Kiến nghị này được đưa ra trong Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, Bộ này đề nghị Bộ Tài chính tính lại các mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu.
Các biện pháp trên nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng/lít.
Kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất, hôm 1/3, Liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu do tác động từ giá dầu thế giới tăng.
Cụ thể, xăng E5RON92 26.077 đồng/lít (tăng 545 đồng/lít), xăng RON95 26.834 đồng/lít (tăng 547 đồng/lít); Dầu diesel 0.05S 21.310 đồng/lít (tăng 509 đồng/lít); Dầu hỏa 19.978 đồng/lít (tăng 469 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S 18.468 đồng/kg (tăng 536 đồng/kg).
Giá xăng dầu trong nước đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp từ cuối năm 2021 và cũng là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong năm 2022.
Trước đà leo thang của giá dầu, tác động đến sản xuất, tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lên lạm phát, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Chính sách giảm thuế dự kiến có hiệu lực đến hết năm nay.
Bộ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng. Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg.
Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, diễn ra tối ngày 3/3/2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng hết sức quan trọng, hết sức thiết yếu, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống của người dân.
Ông nói, giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng CPI, qua đó ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là thời gian qua, thị trường xăng dầu có biến động rất lớn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.