Bộ Công Thương đi đầu cải thiện môi trường kinh doanh

Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.

Kết quả đáng ghi nhận

Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính , điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành; chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến thời điểm này, tất cả 297 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã được triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; còn Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với gần 40.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trước thời hạn đề ra (trong năm 2021). Từ ngày 1/12/2021, Bộ Công Thương triển khai việc in thẳng C/O mẫu D điện tử thành file PDF có mã phản hồi nhanh QRCode trên hệ thống eCoSys. Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2021 là 282.564 hồ sơ.

Đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 203.663 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã triển khai kết nối Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử của Bộ với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến mức độ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Với kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng DVC Quốc gia (cả về số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng hồ sơ điện tử).

Cải cách vì doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và cho rằng, sự quyết liệt về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết, các ý kiến phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp, người dân thời gian qua đều bày tỏ, cải cách hành chính, của Bộ Công Thương đã mang lại những lợi ích thiết thực cho họ. Cụ thể, điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn đã giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, thời gian; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Chia sẻ thêm về tinh thần cải cách vì doanh nghiệp của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG - cho hay, các quyết tâm cải cách của Bộ Công Thương, nhất là việc cắt giảm nhiều giấy phép con đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khai thác được các lợi thế thị trường từ các FTA mà Việt Nam tham gia. "Tới đây, doanh nghiệp mong Bộ Công Thương tiếp tục đến gần và hiểu hơn doanh nghiệp, hiệp hội thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính,, giúp gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp phát triển nhất là khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi"- bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới. Bộ cũng đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/1/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu "Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính,, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng".

Từ ngày 1/1/2021 đến nay, Cổng DVC Bộ Công Thương đã trao đổi 1.164.552 bộ hồ sơ điện tử với Cổng DVC Quốc gia.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-di-dau-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-180281.html