Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dịch vụ logistics

Bộ Công Thương với vai trò cơ quan quản lý đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm thúc đẩy công tác phát triển ngành dịch vụ logistics.

Dự báo, đến 2030 xuất nhập khẩu sẽ đạt 1.200 tỷ USD

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.

Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dịch vụ logistics. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dịch vụ logistics. (Ảnh minh họa)

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tính chung cả năm 2024 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%.

Trong khi đó, theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp; các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại – theo Statista). Những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dịch vụ logistics

Bộ Công Thương với vai trò của cơ quan quản lý đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm thúc đẩy công tác phát triển dịch vụ logistics.

Trong năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thường xuyên trao đổi, liên hệ với các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics, xuất nhập khẩu lớn để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cũng như lưu thông, vận chuyển; đôn đốc, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương đã được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg, Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1461/QĐ-BCT ngày 25/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Đã tham mưu, có Tờ trình số 423/TTr-XNK ngày 19/3/2024 báo cáo Bộ trưởng về tình hình Biển Đỏ và tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, Cục đã có văn bản số 362/XNK-TLH ngày 15/5/2024 về một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động của xung đột chính trị giữa Israel - Iran và khu vực Trung Đông gửi các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội logistics. Nghiên cứu xây dựng và ban hành Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do”.

Tổ chức các Đoàn giao dịch thương mại, kết nối hợp tác logistics cho các doanh nghiệp tại thị trường Đài Loan - Trung Quốc vào tháng 4/2025, tại Nam Ninh, Chiết Giang - Trung Quốc vào tháng 11/2024; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Đoàn giao dịch thương mại về logistics, kết hợp tham dự Đại hội năm 2024 của Liên đoàn Giao nhận kho vận thế giới (FIATA) tại Panama vào tháng 9/2024;

Phối hợp với Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam tổ chức Đoàn kết nối hợp tác logistics tại Thái Lan vào tháng 10/2024; chủ trì, lên kế hoạch và tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 tại Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề "Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics"; phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn vào tháng 4/2024 và tháng 10/2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: Cổng thông tin MTTQ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. Ảnh: Cổng thông tin MTTQ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam, đạt những kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới cho ngành logistics, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao; Đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa, đây là 2 trong số số 7 giải pháp phát triển ngành logistics nhằm góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại Diễn đàn.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng với 17 Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới, có độ mở lớn từ xuất khẩu và thương mại điện tử, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy vậy, hiện chi phí logistics tại Việt Nam còn cao, khoảng 17-18% GDP. Việt Nam xác định hạ tầng giao thông - vận tải là một trong ba đột phá chiến lược để giảm chi phí logistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.

Với sự đồng hành của Chính phủ, sự vào cuộc của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics sẽ đạt được 3 mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhằm góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước. Cụ thể, giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%; đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.

Với vị trí địa lý chiến lược, nằm trong khu vực giao thương sôi động bậc nhất thế giới, Việt Nam có lợi thế trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics, quan trọng của khu vực.

Tại buổi tiếp ông Nagao Yutaka - Chủ tịch Tập đoàn Yamato Holdings của Nhật Bản, đang thăm, làm việc tại Việt Nam diễn ra chiều 17/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn Yamato Holdings tăng cường, mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong đó có lĩnh vực logistics.

Đồng thời đề nghị Tập đoàn phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) là sân bay quốc tế đã được khởi công.

Theo kế hoạch, chiều tối ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân sẽ tham dự cuộc họp về đầu tư xây dựng đường kết nối sân bay Gia Bình, Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình.

Theo quy hoạch cảng hàng không quốc tế Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 20/2, sân bay Gia Bình (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) có vị trí, chức năng là cảng hàng không quốc tế dùng chung dân dụng và an ninh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dong-hanh-cung-nganh-dich-vu-logistics-375216.html