Bộ Công Thương hoàn thiện quy định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước

Việc quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước giúp doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín 'sản phẩm của Việt Nam'...

Sáng 11/7/2025, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với đơn vị chức năng của các Bộ, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo trao đổi về quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chủ trì Hội thảo với sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các Bộ, ban ngành; đại diện của các Hiệp hội ngành hàng và hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và chế biến lưu thông hàng hóa trong nước.

Hội thảo trao đổi về quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp

Hội thảo trao đổi về quy định tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh, phòng chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Các quy định này áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bọ Công Thương: Việc quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước để doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”...

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bọ Công Thương: Việc quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước để doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”...

"Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu quy định các tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước để doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, làm căn cứ xây dựng thương hiệu, uy tín “sản phẩm của Việt Nam”, giữ vững thị phần hàng hóa của “sản phẩm Việt Nam” trên chính "sân nhà", tránh phát sinh tranh chấp giữa bên lưu thông hàng và bên sử dụng hàng hóa trong nước, gây tổn hại đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", ông Nguyễn Anh Sơn cho biết.

Tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và các đại biểu từ cơ quan Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp cùng tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung được quan tâm hiên nay như: thực trạng hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước; mục tiêu, phạm vi điều chỉnh xây dựng chính sách đối với tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; đề xuất chính sách, tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước; các giải pháp khuyến nghị công tác phối hợp tổ chức triển khai chính sách về xác định xuất xứ Việt Nam trong thời gian tới...

Trao đổi về tình hình triển khai xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước trong thời gian tới, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cung cấp thông tin và làm rõ về các vấn đề: phân biệt sự khác nhau giữa chứng nhận xuất xứ, ghi nhãn xuất xứ, truy xuất nguồn gốc; thực tiễn chứng nhận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về những vấn đề này.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin về các quy định của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa và những kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin về các quy định của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa và những kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin về hệ thống quy định liên quan và phương hướng xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước; Đại diện Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) thông tin về công tác quản lý và hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa; Đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin về công tác quản lý thị trường, tăng cường phòng chống gian lận thương mại và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong nước...

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Tại phiên thảo luận của Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến đề xuất quy định về tiêu chí xác định xuất xứ và công tác quản lý hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước, trong đó các ý kiến tập trung vào thực trạng xuất xứ Việt Nam của hàng hóa lưu thông trong nước; cách thức quản lý, giám sát, kiểm tra xuất xứ của hàng hóa Việt Nam lưu thông trong nước; vai trò của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, doanh nghiệp thương mại, thương mại điện tử và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và địa phương; các vấn đề thực tiễn đề xuất khuyến nghị đưa vào dự thảo chính sách. Qua đó hoàn thiện quy định về tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước; góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam cũng như ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xử lý các tình huống gian lận trong thực tế...

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng của Bộ, ngành, liên quan trong công tác đề xuất, tham mưu nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đối với sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo chính sách trong thời gian sớm nhất và gửi lấy ý kiến công khai, rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-hoan-thien-quy-dinh-hang-hoa-co-xuat-xu-viet-nam-doi-voi-hang-hoa-luu-thong-trong-nuoc-142692.htm