Bộ Công Thương lấy ý kiến dự án Luật Thương mại điện tử tại TP. Hồ Chí Minh
Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thương mại điện tử tại TP. Hồ Chí Minh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy kinh tế số
Sáng 28/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thương mại điện tử. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 49 (tháng 9/2025), trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 - 11/2025) theo Chương trình công tác năm 2025.

Các đại biểu tham dự sự kiện. Ảnh: Minh Khuê.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cho biết: Ngày 10/7/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025. Dự thảo Luật hướng tới hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh doanh trên nền tảng công nghệ và số hóa, phù hợp với các nghị quyết quan trọng của Đảng như Nghị quyết 68-NQ/TW, 57-NQ/TW và 59-NQ/TW.
Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung những điều khoản chưa phù hợp và đề xuất cơ chế mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh, phức tạp và đa dạng, việc hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát hàng giả, hàng cấm, tăng cường quản lý thuế, thúc đẩy thương mại điện tử xanh và bền vững là hết sức cấp thiết.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: Minh Khuê.
Ngày 23/7/2025, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật. Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì soạn thảo đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội thảo lần này nhằm tiếp thu ý kiến từ các sở, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Luật Thương mại điện tử là yêu cầu cấp bách và chiến lược
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 20 25% mỗi năm, thương mại điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và người dân trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn đang đặt ra. Trong đó, nổi bật là tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi dụng tính ẩn danh trên môi trường số để trốn thuế, lừa đảo người tiêu dùng... diễn ra ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Đặc biệt, các nền tảng mạng xã hội, hoạt động livestream bán hàng bị một số đối tượng lợi dụng làm nơi phân phối hàng hóa vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới – nhất là từ các nền tảng không có hiện diện tại Việt Nam - cũng đặt ra thách thức lớn về kiểm soát chất lượng hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng và thực thi pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Minh Khuê.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử, trong đó có bốn Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực này. Thương mại điện tử được xác định là phương thức chính của hoạt động kinh doanh trong kỷ nguyên số, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân.
Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử là yêu cầu tất yếu, cấp bách, có ý nghĩa chiến lược. Bộ Công Thương đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Nghị định 78/2025/NĐ-CP, bao gồm: Tổng kết thi hành pháp luật hiện hành; tổ chức tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan qua văn bản và hội nghị; gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ chính sách; được Chính phủ thống nhất nội dung 6 chính sách lớn tại Nghị quyết 191/NQ-CP ngày 26/6/2025.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật ngày 30/6/2025; hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 23/7/2025 sau khi tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và các thành viên Chính phủ.
Tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện chính sách trước khi trình Quốc hội
Thứ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu của việc ban hành Luật là nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm như buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, thất thu thuế, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, minh bạch và an toàn.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng và ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chủ trì phiên trao đổi, thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Minh Khuê.
“Chúng ta cần một đạo luật vừa mang tính định hướng dài hạn, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp thiết, có khả năng thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng cũng bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia vào nền kinh tế số”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đã tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến từ bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng tiếp tục đề nghị các đại biểu đóng góp sâu hơn vào một số nội dung then chốt: Liệu dự thảo Luật đã khắc phục được những tồn tại hiện nay của thương mại điện tử chưa? Có tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ không cần thiết không? Hàm lượng chính sách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đã đủ rõ và cụ thể chưa?
“Chúng tôi luôn lắng nghe và mong tiếp tục nhận được ý kiến quý báu từ các đại biểu để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Thương mại điện tử, phù hợp với thực tiễn phát triển, xu thế hội nhập và yêu cầu quản lý trong thời kỳ chuyển đổi số toàn diện”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng bày tỏ.
Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các chuyên gia đã trình bày những nội dung cốt lõi xoay quanh dự án Luật Thương mại điện tử. Ba chuyên gia đã trình bày tóm tắt các tham luận chuyên sâu, tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn, giúp làm rõ thực trạng, thách thức và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trình bày báo cáo dẫn đề tại hội thảo. Ảnh: Minh Khuê.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trình bày báo cáo dẫn đề, cung cấp bức tranh tổng thể về thương mại điện tử, quản lý nhà nước, các nhóm chủ thể tham gia và các vấn đề pháp lý đặt ra. Hội đồng tư vấn cấp cao của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam phân tích trách nhiệm pháp lý của các chủ thể trong môi trường số, từ đó đưa ra đề xuất về cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn. Chi cục Thuế thương mại điện tử (Bộ Tài chính) tập trung vào vấn đề nghĩa vụ thuế và công tác quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong khi Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam phân tích vai trò và trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử.
Tiếp theo, hội thảo bước vào phiên thảo luận chuyên sâu với tám nhóm vấn đề trọng tâm, từ tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật đến trách nhiệm pháp lý của các chủ thể liên quan trong thương mại điện tử, nhằm hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển và xu thế hội nhập.
Hội thảo là bước đi quan trọng để hoàn thiện dự án Luật Thương mại điện tử, luật này có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình số hóa và phi truyền thống. Việc lắng nghe, tiếp thu và phản biện kỹ lưỡng sẽ giúp bảo đảm tính khả thi, hiệu lực và hiệu quả khi luật đi vào cuộc sống, đảm bảo vừa thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi chủ thể tham gia trong nền kinh tế số hiện đại.