Bộ Công Thương lên tiếng về việc nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng tăng đột biến

6 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu thép cán nóng (HRC) khổ rộng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt, lên gần 650.000 tấn, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2024, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách ước khoảng 2.300 tỷ đồng.

Theo thống kê từ cơ quan hải quan, riêng tháng 6/2025, lượng thép cán nóng khổ rộng (từ 1.880mm trở lên) nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 215.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, loại thép khổ 2.000mm chiếm tới 74% lượng nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc.

Sự gia tăng bất thường này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời từ tháng 3/2025 và chính thức từ ngày 6/7/2025 đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng là 27,83%. Nếu áp thuế đầy đủ, số thu ngân sách từ lượng thép nhập khẩu nói trên có thể lên đến 90 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong khi tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm giảm còn 4,5 triệu tấn (so với gần 6 triệu tấn cùng kỳ 2024), thì riêng nhóm thép khổ rộng từ 1.880mm lại tăng vọt, cho thấy khả năng có hiện tượng “lách thuế” qua việc thay đổi kích cỡ nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp, nhiều mặt hàng thép nhập khẩu khổ rộng chỉ khác biệt nhỏ so với loại thép bị áp thuế về mặt kỹ thuật, công dụng và kênh phân phối. Điều này vi phạm quy định tại Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Nghị định 86/2025/NĐ-CP về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Việc này không chỉ phá vỡ hiệu quả chính sách thuế chống bán phá giá mà còn gây bất công bằng cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời khiến ngân sách nhà nước thiệt hại nghiêm trọng.

Thực tế, ngay sau khi Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) công bố khởi xướng điều tra, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã chuyển hướng sang mặt hàng thép khổ 1.880-2.000mm, vốn không thuộc phạm vi áp thuế do trong nước chưa sản xuất được. Theo cảnh báo từ các chuyên gia, nếu không có biện pháp kịp thời, xu hướng nhập khẩu này có thể tiếp tục lan rộng đến các khổ lớn hơn 2.000mm.

Trả lời báo chí, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khẳng định, các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nóng được thực hiện sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, dựa trên đơn đề nghị từ ngành sản xuất trong nước và tuân thủ các cam kết WTO. Bộ Công Thương đã áp dụng thuế CBPG tạm thời từ tháng 3/2025 và chính thức từ ngày 6/7/2025.

Cục cũng cho biết đã chủ động thu thập thông tin, báo cáo Thủ tướng và cảnh báo doanh nghiệp về hành vi vi phạm. Song song đó, Bộ đã gửi bản câu hỏi điều tra bổ sung đến các công ty nhập khẩu, yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về tình hình nhập khẩu, mục đích sử dụng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/2025/NĐ-CP để có căn cứ pháp lý xử lý kịp thời hành vi lẩn tránh.

Các quy định mới cho phép áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiệu quả hơn, dựa trên đề nghị từ doanh nghiệp trong nước và cân nhắc hài hòa lợi ích của các bên. Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan hải quan để tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm.

Ngoài ra, Bộ đang hướng dẫn ngành sản xuất thép hoàn thiện hồ sơ để yêu cầu điều tra chống lẩn tránh theo quy định mới. Mục tiêu là bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp trong nước, chống gian lận thương mại và bảo vệ nguồn thu ngân sách trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng phức tạp.

Kim Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-thuong-len-tieng-ve-viec-nhap-khau-thep-can-nong-kho-rong-tang-dot-bien-320478.html