Hiệp hội kinh doanh vàng: Cần thay thế nghị định 24 bằng nghị định mới hoàn toàn
Theo Hiệp hội kinh doanh vàng, các doanh nghiệp đủ điều kiện nên được trực tiếp nhập khẩu vàng để tránh tình trạng chi phí nhập khẩu vàng bị đội lên nhiều lần, gây khó cho sức cạnh tranh của sản phẩm vàng Việt Nam.
Ngày 10-7, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”. Tại đây, đại diện hiệp hội đã đưa ra một số quan điểm góp ý sửa đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Ngân hàng thương mại không nên kinh doanh vàng
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, sửa đổi NĐ 24/CP lần này mới chỉ là các điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, chưa có điều chỉnh gì nhiều theo chỉ đạo, định hướng mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Nghị định này cần thay đổi bằng nghị định mới khác chứ không phải chỉ sửa đổi nhỏ, để cho doanh nghiệp lại phải đối chiếu, soi lại Nghị định cũ. Phải viết lại một nghị định mới”, ông Hùng nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mỹ nghệ khó khăn, phải mua nguyên liệu trôi nổi, vô tình tiếp tay cho buôn lậu mà phải đầu tư nhiều, không có đầu vào, hạn chế đầu ra. Trong khi điều kiện tiếp cận vàng nguyên liệu theo dự thảo NĐ mới không cởi mở, phải xin phép. Việt Nam nhập khẩu vàng về sản xuất vàng miếng, khi xuất khẩu đi, các nước vẫn coi là vàng nguyên liệu.

Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng cần khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức. Ảnh: ND
Trong dự thảo nghị định, các ngân hàng thương mại tham gia kinh doanh vàng miếng, theo ông Hùng, đây là điều không phù hợp. “Các nước họ không làm thế. Ngay ở Lào, chúng tôi có xuất vàng sang, người dân họ cũng không mua vàng miếng, họ chỉ mua vàng trang sức. Chỉ có ở Việt Nam, người dân đổ xô mua vàng miếng. Tập quán này có phải do chính sách không?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Điều này phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng 2024.
Theo đó, ngân hàng thương mại không có chức năng nhiệm vụ sản xuất vàng; nhiệm vụ chính của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ (đặc biệt là hoạt động tín dụng) và cung ứng dịch vụ thanh toán.
Còn theo ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, nghị định 24/CP đã qua 13 năm thực hiện mà không có sửa đổi, bổ sung gì dù thị trường đã rất nhiều biến động, chỉ lần duy nhất NHNN bán ra thị trường 14 tấn vàng để tác động đến thị trường. Tuy nhiên, với những gì diễn ra đến hiện tại, cũng cần xem xét lại việc Nhà nước can thiệp thị trường như nào cho phù hợp.
Theo ông Bảng, các nước định hướng người dân không tích trữ vàng miếng. Mấu chốt vấn đề, chúng ta thu hút được vàng trong dân để phục vụ phát triển bằng các công cụ phù hợp nhưng NĐ 24/CP chưa có công cụ nào.
Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/CP, theo ông Bảng, đã có nhưng vẫn có nhiều điều mà các thành viên Hiệp hội kinh doanh vàng trăn trở. Theo ông, định hướng về chính sách là không để người dân tập trung mua bán vàng miếng mà để dành vốn cho chính sách và cái đó phải thực hiện bằng quy định pháp luật.
Cần mở rộng quyền nhập khẩu vàng của doanh nghiệp
Ông Đinh Nho Bảng cũng cho rằng các bên đáp ứng điều kiện phù hợp cần phải được cấp phép nhập khẩu vàng trực tiếp để tránh tình trạng chi phí của doanh nghiệp đội giá lên cao.
Việc đội giá này diễn ra qua mấy khâu: Đội giá khi ngân hàng thương mại nhập về, nếu mua vàng theo tiêu chuẩn quốc tế đắt hơn các loại vàng khác từ 2 đến 5%. Với hai lần đội giá như vậy, vàng Việt Nam khi xuất khẩu sẽ có chi phí cao hơn hẳn so với các nước khác đang tự do hóa thị trường vàng, vì vậy giảm khả năng cạnh tranh.

Người dân vẫn có tâm lý mua vàng tích trữ. Ảnh: ND
Đại diện Hiệp hội vàng Việt Nam đồng thời đề nghị xem xét bỏ quy định về cấp giấy phép từng lần xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Lý do được được Hiệp hội vàng Việt Nam đưa ra vì sẽ tăng giấy phép con, tăng thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; Kìm hãm hoạt động xuất khẩu vàng miếng; Làm mất cơ hội sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì diễn biến thị trường vàng thế giới biến động liên tục, chịu tác nhiều yếu tố; nếu chờ thủ tục cấp phép từng lần (ngoài giấy phép cấp hạn mức hàng năm) thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu hoặc nhập khẩu với giá tốt nhất; ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và hoạt động xuất khẩu.
Hiệp hội kinh doanh vàng đề nghị chỉ quy định Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm, phân bổ cho từng doanh nghiệp ngay từ quý I đầu năm theo nguyên tắc công khai, minh bạch; không phát sinh giấy phép con.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp chủ động lựa chọn thời điểm và khối lượng (trong hạn mức) để nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Doanh nghiệp thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện hạn mức xuất nhập khẩu vàng với NHNN; việc điều chỉnh bổ sung hạn mức do NHNN xem xét, quyết định.
Ngoài ra, theo hiệp hội, Nghị định này nên thống nhất về quan điểm, định hướng và thể hiện chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh vàng trang sức, trong đó ưu tiên cho xuất khẩu; và từng bước làm giảm nhu cầu mua bán, nắm giữ vàng miếng trong dân bằng nhiều giải pháp kinh tế mang tính thị trường.
Ví dụ bằng chính sách thuế (không đánh thuế nếu người dân bán vàng trang sức; và đánh thuế nếu bán vàng miếng để đầu cơ); đồng thời với các giải pháp đa dạng hóa thương hiệu vàng miếng cũng như tăng nguồn cung vàng miếng; khuyến khích phát triển thị trường vàng trang sức, qua đó tác động tâm lý để người dân chuyển dần từ tích trữ đầu cơ vàng miếng sang mua bán vàng trang sức và từng bước bình thường hóa, để người dân không còn quan tâm đến vàng miếng như các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong đề xuất, Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng; không phải là cơ quan sản xuất kinh doanh vàng miếng. Nếu Ngân hàng nhà nước tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) thì sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào? Và dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện quản lý nhà nước.
Mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng
Ngày 28-5, trong buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận rằng các cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết thị trường vàng đã chậm được đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường và đòi hỏi của thực tiễn, cần được khẩn trương đổi mới, hoàn thiện.
Cụ thể, thị trường vàng được quản lý kém linh hoạt, không phù hợp với diễn biến cung cầu chung trên thị trường thế giới, gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhất là tình trạng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Tồn tại tình trạng độc quyền trên thị trường, không kích thích cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động kinh doanh vàng lành mạnh.
Tổng Bí thư nêu rõ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhanh chóng sửa đổi nghị định 24/2012 theo hướng thị trường hóa có lộ trình và có kiểm soát chặt chẽ; tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa thị trường vàng trong nước và thị trường quốc tế.
Xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.
Nhưng có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó giúp đa dạng hóa nguồn cung và ổn định giá cả.
Mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng, góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời hạn chế tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh vàng
Trước đó, trong cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng 5-2025, Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng cường quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%, không thể để trên 10% như vừa qua.
Đồng thời, có giải pháp tăng cung như nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường.