Bộ GD&ĐT hướng dẫn lựa chọn môn học ở cấp THPT

Ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn 5 môn học trong 10 môn học được thiết kế theo 3 nhóm, tương ứng với 3 định hướng nghề nghiệp.

Học sinh THPT lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, qua quá trình tập huấn, triển khai thời gian qua, đã có nhiều ví dụ cụ thể về việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó các trường tham gia tập huấn căn cứ vào điều kiện thực tiễn của trường xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình, phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Trên cơ sở 3 tổ hợp chính, mỗi tổ hợp ngoài các môn thuộc 3 nhóm theo định hướng trong chương trình thì các môn còn lại được lựa chọn từ 2 nhóm khác cần bảo đảm sự phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho học sinh học tập. Như vậy, với mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và các môn khác thuộc 2 nhóm còn lại.

Số tổ hợp và số lớp/mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Với cách này, các trường cần xây dựng từ 3 đến 6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới để cho học sinh lựa chọn để học tập. Bên cạnh đó nhà trường cũng tư vấn định hướng cho học sinh lựa chọn 1 trong các tổ hợp trên.

Sau khi đã xây dựng được các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/mỗi tổ hợp mà trường có thể đáp ứng, các trường phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng kí, lựa chọn.

"Đây cũng là vấn đề các địa phương cần quy định trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT. Ngoài việc cho học sinh đăng kí theo nguyện vọng, rất cần vai trò tư vấn, định hướng của các nhà trường, cha mẹ học sinh để học sinh hiểu rõ ý nghĩa của việc chọn cả tổ hợp chứ không phải từng môn", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Qua thực tế kiểm tra của Bộ GD&ĐT tại một số địa phương và báo cáo của địa phương, hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động tổ chức rà soát nhu cầu của học sinh lớp 9, xây dựng tổ hợp môn lựa chọn ở lớp 10 theo điều kiện cụ thể của từng trường THPT. Ngoài các văn bản đã ban hành trước đây, hiện Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hướng dẫn một số nội dung cụ thể về việc lựa chọn môn học ở bậc THPT để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.

Đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT lần đầu tiên được đưa vào Chương trình GDPT 2018 nên các trường THPT chưa có sẵn giáo viên. Việc chuẩn bị giáo viên các môn học này cho cấp THPT đang được các địa phương thực hiện theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2027/202204/bo-gdampdt-huong-dan-lua-chon-mon-hoc-o-cap-thpt-3112258/