Bộ GD&ĐT trả lời về đề xuất cần 1 bộ sách giáo khoa chung cho cả nước
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước nhằm phù hợp với điều kiện thực tế xã hội hiện nay.
Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hưng Yên có ý kiến gửi Bộ GD&ĐT, phản ánh về việc sau khi các tỉnh được sáp nhập theo Nghị quyết 60, có một bộ phận lớn học sinh các cấp di chuyển chỗ ở, xin chuyển trường đến nơi ở mới theo bố mẹ.
Tuy nhiên, nếu học sinh không chuyển trường vào đầu năm học mà vào các thời điểm khác, thì sẽ gặp khó khăn, bất cập. Bởi, theo Thông tư 27/2023 của Bộ GD&ĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa, mỗi cơ sở giáo dục được chọn một bộ sách giáo khoa để giảng dạy trong năm học đó.
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước nhằm phù hợp với điều kiện thực tế xã hội hiện nay. Đồng thời, Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương có giải pháp bố trí đủ điều kiện trường, lớp để tiếp nhận số học sinh tăng thêm tại các đơn vị trung tâm hành chính mới.

Cử tri đề nghị có bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước nhằm phù hợp với điều kiện thực tế xã hội hiện nay. Ảnh minh họa: TT
Sách giáo khoa khác nhau nhưng đều đáp ứng yêu cầu cần đạt
Về đề nghị có bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định: Chương trình giáo dục phổ thông quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.
Cùng với đó, Luật Giáo dục 2019 quy định: "Chương trình giáo dục phổ thông phải bảo đảm các quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh trong cả nước.
Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".
Từ năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và các nhà trường đã tổ chức thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.
Bộ Chính trị đã có Kết luận 91 ngày 12-8-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó có nêu rõ nhiệm vụ về việc tiếp tục thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa".
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 25/2020 và Thông tư 27/2023 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục để các tỉnh, thành hoặc trường phổ thông lựa chọn sử dụng. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định chi tiết nội dung, yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục.
"Sách giáo khoa khác nhau chỉ khác ở ngữ liệu, cách thức thể hiện và phương pháp dạy học đối với từng nội dung, nhưng phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Do đó, khi học sinh dùng sách giáo khoa khác nhau không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục khác nhau đều được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của môn học và thống nhất trên toàn quốc.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi, đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng và chất lượng tổ chức thực hiện tại các địa phương, nhà trường, lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý của cử tri để tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.

Sách giáo khoa khác nhau chỉ khác ở ngữ liệu, cách thức thể hiện, vẫn đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phù hợp với thực tế
Về giải pháp bố trí đủ điều kiện trường, lớp để tiếp nhận số học sinh tăng thêm tại các đơn vị trung tâm hành chính mới, ông Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 1581 về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Để thuận lợi và bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh, ngày 29-5, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Công văn 2714 về tăng cường quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, tuyển sinh đầu cấp tiểu học, THCS, THPT năm học 2025-2026.
Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở GD&ĐT tạo triển khai một số nhiệm vụ như: hướng dẫn tuyển sinh theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học tập phù hợp với tình hình thực tế; tuyển sinh cấp THPT không giới hạn địa giới hành chính; tuyển sinh mầm non và đầu cấp tiểu học, THCS không giới hạn địa giới hành chính cấp xã...
Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT đề nghị thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời hỗ trợ các trường, gia đình và học sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong tuyển sinh.