Bộ GDĐT lên tiếng về sai phạm tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Về vấn đề Hiệu trưởng sử dụng chữ ký 'khô' trên văn bằng, chứng chỉ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định quyền lợi của người học không bị ảnh hưởng.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: HUBT)

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: HUBT)

Trước những “lùm xùm” liên quan đến Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội như việc sử dụng chữ ký “khô” của Hiệu trưởng trên bằng tốt nghiệp, không có hội đồng trường…, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định quyền lợi của người học không bị ảnh hưởng.

Chữ ký “khô” trên hàng loạt văn bằng

Chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã giải đáp thắc mắc của báo chí trong buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm.

Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh một số bất cập trong công tác quản lý tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chẳng hạn, từ năm 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký của Hiệu trưởng – Giáo sư Trần Phương, nay đã gần trăm tuổi.

Theo quy định tại Điều 15 Luật Kế toán năm 2015 thì trong lĩnh vực kế toán hiện nay chỉ thừa nhận giá trị pháp lý của 2 loại chữ ký gồm: Chữ ký tươi là chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai; không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chữ ký điện tử: Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử; chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí. (Ảnh: Quang Thương)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí. (Ảnh: Quang Thương)

Bên cạnh đó, theo khoản 6, Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư quy định: Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai. Như vậy, ngoài 2 loại chữ ký tươi và chữ ký điện tử thì pháp luật kế toán, tài chính không thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký con dấu hay chữ ký “khô.”

Việc sử dụng chữ ký “khô” của Giáo sư Trần Phương trên các loại văn bằng, chứng chỉ trong nhiều năm nay gây ra nghi vấn ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay chứng từ tài chính có quy định rất rõ về chữ ký tươi và chữ ký điện tử, ngoài ra không có quy định khác về việc có được sử dụng hay không được sử dụng chữ ký "khô."

Thứ trưởng cho rằng bằng tốt nghiệp là chứng nhận cuối cùng của một quá trình đào tạo. Ngoài tấm bằng tốt nghiệp thì kết quả đào tạo còn được ghi nhận trong sổ văn bằng chứng chỉ.

"Những người tốt nghiệp từ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn sử dụng bằng cấp như bình thường vì các cơ quan tuyển dụng khi xác minh văn bằng không phải chỉ nhìn trên tấm bằng mà quan trọng xác minh xem sinh viên này có thực sự được tuyển sinh, đào tạo, được cấp bằng hay không. Do đó việc sử dụng chữ ký “khô” không ảnh hưởng đến quyền lợi của người học," Thứ trưởng cho biết.

Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiểm sát chặt chẽ chất lượng từ tuyển sinh đến đào tạo tại trường.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin về sai phạm quy định kế toán tài chính tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. (Ảnh: Quang Thương)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin về sai phạm quy định kế toán tài chính tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. (Ảnh: Quang Thương)

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng thừa nhận rằng thời gian qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có sử dụng chữ ký “khô” trên chứng từ kế toán.

Đối chiếu với quy định của Luật Kế toán năm 2015 thì Trường dùng chữ ký ‘khô’ trên chứng từ là trái với quy định của pháp luật về kế toán. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Bộ Tài chính thực hiện giám sát kiểm tra đối với Trường trong việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, trong đó, đặc biệt thực hiện pháp luật về kế toán. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo tới báo chí,” Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng khẳng định sẽ bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về tài chính kế toán với các cơ sở giáo dục cũng như các các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân. Bộ Tài chính bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đối tượng có liên quan, nếu việc sai phạm này của Trường làm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên sinh viên, các đối tượng khác có liên quan.

Nhiều năm không có hội đồng trường

Ngoài dấu hiệu sai phạm trong việc sử dụng chữ ký, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đang chậm trễ việc thành lập hội đồng trường theo quy định.

Trường được thành lập từ tháng 6/1996, vốn dĩ là một trường dân lập, với nền tảng tài chính được huy động từ nhiều cổ đông. Hiệu trưởng đầu tiên của trường, và cho đến nay là Giáo sư Trần Phương, cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

 Quang cảnh buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quang cảnh buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 3/6/2019 về việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sang loại hình trường đại học tư thục (Quyết định 671). Theo quyết định, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải tiến hành các bước chuyển đổi từ mô hình dân lập sang tư thục. Để thực hiện việc này, trường bắt buộc phải thành lập Hội đồng trường.

Sau Quyết định 671, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần có văn bản yêu cầu trường thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng hưng đến nay, Trường vẫn chưa thành lập hội đồng trường.

Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng trách nhiệm thành lập hội đồng trường là của các nhà đầu tư, các nhà đầu tư phải phân biệt rõ lợi ích của mình, tỷ lệ vốn góp trong đó và thống nhất họp để bầu hội đồng trường, việc này các nhà đầu tư chưa làm được.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về chất lượng đào tạo, còn về tổ chức bộ máy, quản lý tài sản, đối với các trường đại học công lập có các cơ quan chủ quản, các bộ ngành, các địa phương; với các trường tư thục thì chịu sự quản lý theo địa phương. Bộ đã nhiều lần đôn đốc nhắc nhở, làm việc với đại diện nhà trường. Tuy nhiên, đây là vấn đề do dân sự, liên quan đến các nhà đầu tư chưa thể thống nhất được để bầu ra hội đồng trường.

Về công tác tuyển sinh đào tạo, từ 2020 đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một lần thanh tra, bốn kiểm tra công tác hoạt động đào tạo tuyển sinh của trường, có 2 sai phạm của trường, một là liên quan đến đào tạo liên thông và hai là liên quan đến tuyển sinh số lượng theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử lý hành chính đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-gddt-len-tieng-ve-sai-pham-tai-truong-dh-kinh-doanh-va-cong-nghe-ha-noi-post956751.vnp