Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên

Nằm trong các nội dung phiên họp toàn thể thứ 4, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, sáng nay 19-10, các thành viên của ủy ban đã có nhiều ý kiến phát biểu thảo luận về những kết quả mà ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đạt được trong năm học 2021-2022 cũng như chỉ rõ những tồn tại, yếu kém mà ngành cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

Theo đánh giá chung, kế hoạch năm học 2021-2022 được triển khai phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Toàn ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, linh hoạt, chủ động trong thực hiện các giải pháp nhằm nhanh chóng chuyển đổi trạng thái hoạt động phù hợp với tình hình của dịch bệnh, mở cửa trường học kịp thời, bảo đảm hoạt động giáo dục diễn ra liên tục, an toàn và chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên thảo luận

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, thời gian qua chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, tuy vậy, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết do phân bổ chỉ tiêu biên chế “nhỏ giọt”. Tình trạng này làm gia tăng số trường học không đạt chuẩn quốc gia.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, qua khảo sát thực tế ở một số địa phương cho thấy, để đảm bảo quyền được học của học sinh, các trường phải dồn lớp để đủ giáo viên đứng lớp. Và dù đã đủ lớp cho các em học thì tại nhiều trường, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật vẫn không đủ làm ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ, nhất là năng khiếu. Hệ lụy sau đó của việc này là các trường học không đạt chuẩn và cũng ảnh hưởng đến việc hoàn thành tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận

Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang phát biểu thảo luận

“Qua giám sát công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy một thực tế là ở các khu công nghiệp, trường xây dựng đạt chuẩn khang trang, sạch đẹp nhưng mà phải đóng cửa, lý do là không có nguồn giáo viên để giảng dạy. Đây cũng là sự lãng phí rất lớn trong việc đầu tư” - đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ GD&ĐT nên có khảo sát để nắm thêm về tình hình này.

Đối với các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, theo phản ánh của thầy cô thì các nội dung chương trình gây khó khăn đối với đội ngũ giáo viên. Hiện nay, giáo viên chịu áp lực mọi phía từ phụ huynh, học sinh, từ dư luận xã hội, trong khi đó lương thì thấp khiến không ít giáo viên phải bỏ nghề, chuyển ngành. Do vậy, chúng ta cần quan tâm đến đời sống, trang thiết bị phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu nêu

Thực tế tại các địa phương cho thấy, tình trạng thiếu sách giáo khoa đã được khắc phục. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ ở một số nơi, nhất là các sách bài tập. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp căn cơ, sát thực hơn trong thời gian tới.

Giải trình các vấn đề mà đại biểu quan tâm, nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Các vấn đề mà các đại biểu nêu rất đúng và bộ cũng nhận ra những tồn tại này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc phân bổ chỉ tiêu biên chế giáo viên thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, cơ sở vật chất trường lớp do các địa phương quản lý. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, rất nhiều vấn đề liên quan tuy nhiên lại không thuộc thẩm quyền điều hành, quản lý của bộ nên rất khó khăn. Những ý kiến khác, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo giải trình cụ thể.

Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD&ĐT; tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về GD&ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong trường học.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/137990/bo-giao-duc-va-dao-tao-can-giai-quyet-can-co-tinh-trang-thieu-giao-vien