Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 3.000 km đường cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025, ngoài sự quyết tâm mạnh mẽ từ Bộ Giao thông Vận tải còn cần sự chung tay đầy trách nhiệm và quyết liệt từ phía lãnh đạo các địa phương, các chủ đầu tư…

Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc hoàn thành năm 2025, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường bộ. Đồng thời đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đáp ứng mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 của Chính phủ.

VƯỚNG MẮC CỦA CÁC DỰ ÁN

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tại phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Cụ thể, tổng chiều dài tuyến cao tốc dự kiến đạt khoảng 1.172 km, trong đó 1.104 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68 km dự kiến hoàn tất vào năm 2026 nhưng có khả năng được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành ngay trong năm 2025. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 16km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025 theo chương trình thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 16km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025 theo chương trình thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc.

Tính đến nay, có 28 dự án và dự án thành phần, bao gồm 16 dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và 12 dự án do các địa phương quản lý, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Các dự án này được chia thành ba nhóm chính.

Nhóm 1 gồm 13 dự án, với tổng chiều dài 736 km, gần như không còn vướng mắc lớn, đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2025. Mặc dù vậy, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế không lớn nhưng tập trung tại khu vực có khối lượng đào đắp lớn, cần tận dụng vật liệu (dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn) và tại các khu vực xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún từ 10-12 tháng (vướng đường điện cao thế ở các dự án: Bãi Vọt-Hàm Nghi; Hàm Nghi-Vũng Áng; Chí Thạnh-Vân Phong), tiến độ thi công vẫn bị ảnh hưởng

Nhóm 2 gồm 9 dự án và dự án thành phần, với tổng chiều dài 300km, cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu xây dựng, và đẩy mạnh tiến độ thi công bằng phương thức "3 ca, 4 kíp" để kịp hoàn thành trong năm 2025. Trong đó, các dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (đoạn qua Khánh Hòa) vẫn chưa đạt yêu cầu về tiến độ giải phóng mặt bằng. Các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung cát đắp, khối lượng khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo tiến độ thi công

Nhóm 3 gồm 6 dự án/dự án thành phần và đoạn cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức-Long Thành, dài 152 km, cần nỗ lực rất lớn mới có thể về đích đúng hạn trong năm 2025. Với riêng gói thầu J3-1 dự án Bến Lức-Long Thành (cầu Phước Khánh) do phải chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền về nguồn vốn Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự thu xếp nên chưa thể lựa chọn nhà thầu, rất khó hoàn thành đúng tiến độ.

PHỐI HỢP VỚI ĐỊA PHƯƠNG ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các địa phương trong xử lý vướng mắc mặt bằng, vật liệu, nghiên cứu giải pháp tối ưu thời gian thi công các dự án. Tuy nhiên, hiện tại một số dự án vẫn chưa đáp ứng được tiến độ kỳ vọng.

Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa phương phải chia sẻ trách nhiệm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất, nhận diện đầy đủ các khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Cụ thể, với đoạn tuyến vướng rừng tại dự án cao tốc Bắc – Nam qua các đoạn Vũng Áng – Bùng, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Vân Phong – Nha Trang, các ban quản lý dự án liên quan cần phối hợp với địa phương để thực hiện ngay các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, với các dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) có kế hoạch về đích vào dịp 30/4/2025, Bộ trưởng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, toàn bộ việc đào đắp nền đường, thi công các công trình cầu, hầm,… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024 để đồng loạt tổ chức thi công mặt đường và hệ thống an toàn giao thông.

"Các dự án còn lại cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, đảm bảo khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời".

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề vật liệu thi công các dự án, Bộ trưởng lưu ý và đặt vấn đề chủ đầu tư phải tính toán kỹ nguồn nguyên vật liệu song song với công tác tháo gỡ mặt bằng. Không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu, đặc biệt đối với dự án cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau, chủ đầu tư, nhà thầu phải có giải pháp cụ thể. Ngay cả khi tính đến việc phải sử dụng đá thay cát trong thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công liên tục.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh trong thời gian 2 tháng kể từ phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải lần thứ 13, đến nay giá trị sản lượng bình quân mỗi tháng tại các dự án đường bộ cao tốc chưa cao.

Để hoàn thành mục tiêu đã đăng ký đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, các địa phương, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư dự án lập tiến độ chi tiết hàng tháng, tăng ca, đẩy nhanh thi công, bù lại khối lượng đang bị chậm. Bên cạnh đó, những vướng mắc thuộc trách nhiệm của địa phương, người đứng đầu ngành giao thông đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Đồng thời, giao trách nhiệm cho Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam tổng hợp các vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Giao thông vận tải để khẩn trương giải quyết.

Huỳnh Dũng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-van-tai-dat-muc-tieu-hoan-thanh-3-000-km-cao-toc-vao-nam-2025.htm