Bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ

Sáng 12-2, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Khẩn trương quyết định nhiều vấn đề cấp bách

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, QH sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ 13 của Đảng; đồng thời tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Sau đó QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết đây là lần đầu tiên ông sinh hoạt với Đoàn Đại biểu (ĐB) QH TP HCM. Chủ tịch nước cho rằng việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kể từ khi ban hành đến nay đã bước sang năm thứ 8. Dù đã có sơ kết, nhưng để đạt được mục đích, vừa qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương. "Mục tiêu là làm sao phải tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ" - Chủ tịch nước nói.

Để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn thì hiện còn những vấn đề đang vướng. Tại kỳ họp này tập trung sửa đổi 4 luật, 5 nghị quyết liên quan để triển khai Nghị quyết 18. "Chúng ta quyết tâm thực hiện ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo "vừa chạy vừa xếp hàng" - tất nhiên phải có nguyên tắc, phải giữ được ổn định và phát triển ở tầm cao hơn" - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào ngày 12-2. Ảnh: VĂN DUẨN

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào ngày 12-2. Ảnh: VĂN DUẨN

Hiện nay chúng ta xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng, trong đó, thể chế có nhiều điểm nghẽn nhất. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị các ĐBQH là những người gắn với thực tiễn cơ sở góp ý để sửa luật nhằm đáp ứng nhu cầu tốt hơn, mạnh hơn. "Năm 2025, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trở lên để sang 2026 trở đi tăng trưởng liên tục hai con số. Muốn vậy phải tháo gỡ điểm nghẽn thể chế" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước lưu ý TP HCM là một trong những trung tâm kinh tế lớn cả nước, động lực phát triển quan trọng, với quy mô kinh tế rất lớn. Thành phố tăng trưởng 1% bằng các địa phương khác tăng trưởng hàng chục phần trăm. Vì vậy, cần làm rõ xem thực tiễn còn vấn đề gì "vướng, khó" để TP HCM tiếp tục "tăng tốc, bứt phá, cất cánh", thực sự là đầu tàu kinh tế, phát triển năng động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của cả nước.

Thấy vướng mắc thì phải sửa ngay

Thảo luận tại Tổ 8 (gồm ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Cần Thơ, Kon Tum), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng theo quy luật, trong quá trình phát triển luôn sinh ra các mâu thuẫn mới, chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn mới thì mới tiếp tục phát triển được.

Thủ tướng cho rằng cần phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Càng rõ thì càng dễ đánh giá và xác định trách nhiệm. Bên cạnh đó là phân cấp, phân quyền để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Thực tiễn đặt ra những vấn đề cụ thể, cấp bách thì trong một thời gian ngắn phải giải quyết, xử lý ngay, do đó quy định nghị quyết của Chính phủ có giá trị pháp quy là rất cần thiết.

Dẫn chứng giai đoạn đại dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng Chính phủ là cơ quan hành pháp phải ban hành nghị quyết để đưa ra chính sách giãn cách xã hội. Hay như trong siêu bão Yagi năm 2024, việc có phá đập Thác Bà hay không, có di dân hay không, phải có người quyết định. Những vấn đề biến động như vậy cần trao quyền cho cơ quan hành pháp. "Có những vấn đề cá biệt, đặc biệt, phải xử lý ngay, Chính phủ có thể họp trong 1 tiếng, ngay trong đêm để quyết định, nhưng ban hành văn bản ra mà không có tính pháp quy thì không ai dám làm" - Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh cuộc sống diễn ra rất nhanh, luật không thể dự báo được, Thủ tướng đề nghị luật chỉ cần quy định khung mang tính nguyên tắc, còn lại để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện chính sách hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Nhắc lại câu chuyện người trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lếu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) quyết định sơ tán tất cả người dân trong cơn bão Yagi, Thủ tướng đặt tình huống: Nếu trong quá trình di chuyển có chỗ sạt lở mà chết hết cả người dân thì sao?. "Người dân an toàn thì ông là anh hùng, nhưng nếu không may trong quá trình di chuyển, người dân bị vùi lấp, ông trưởng thôn sẽ thành tội đồ" - Thủ tướng phân tích và khẳng định cách làm của trưởng thôn là rất sáng tạo, rất vô tư, thế thì luật pháp phải bảo vệ.

Vì vậy, theo Thủ tướng, trong xây dựng pháp luật cần đề ra không gian cho sự sáng tạo và bảo vệ người sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa rồi đã đề cập đến việc "phải chấp nhận rủi ro", không truy tố người có dám làm, không vụ lợi. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa. Còn những vấn đề biến động như kinh tế thì nên có khung để Chính phủ thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý lúc cấp bách, cá biệt. Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và bảo vệ họ, đi cùng chống tiêu cực, lãng phí.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn khi thảo luận ở Tổ 13, cho biết dự thảo luật quy định những việc thuộc thẩm quyền của QH thì QH quy định; những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sau này Chính phủ sẽ quy định, qua đó tạo thuận lợi cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành. Dự luật cũng quy định về việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật của cơ quan trình, đồng thời cũng bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật.

Hôm nay (13-2), QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của QH quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội 2025. Theo đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay từ 8% trở lên (trước đó mục tiêu QH quyết nghị là 6,5%-7%, phấn đấu 7%-7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%-5%. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ USD. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của QH đồng tình cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ (2021-2025). Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức, các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp, nên Chính phủ cần đánh giá các điều kiện để bảo đảm khả thi việc đặt mục tiêu GDP vượt 8% năm nay.

Bỏ đề xuất "không tổ chức HĐND ở các xã thuộc đô thị"

Chiều cùng ngày, Chính phủ đã trình QH dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành. Như vậy, tại tất cả đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có: HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể QH quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bo-may-moi-phai-tot-hon-hieu-qua-hon-196250212210803329.htm