Bổ sung kháng thể bằng tiêm vaccine COVID-19 để sống an toàn trong dịch
Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia.
Do đó, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đang theo dõi một “biến thể đáng lo ngại” mới BA.4.6. CDC Hoa Kỳ đã đưa BA.4.6 vào danh sách các biến thể theo dõi hàng tuần.
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược giúp con người có được miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Vaccine tạo miễn dịch cho con người, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Vaccine COVID -19 có hiệu quả với biến chủng BA.4 và BA.5
Những ngày gần đây, Việt Nam liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới tăng cao, ở mức trên dưới 2.000 ca mỗi ngày. Số ca nặng đang có xu hướng tăng nhẹ, Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, biến thể phụ BA.5 bắt đầu chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi 3, 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Bộ Y tế đã liên tục có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, 4.
Tính đến ngày 9/8, cả nước có 48.696.999 mũi tiêm thứ 3, đạt 74,2%; mũi 4 có 10.980.570 mũi tiêm, đạt tỷ lệ 57,6%. Cá biệt có địa phương, số người tham gia tiêm mũi 4 chỉ đạt hơn 20%...
Tại nhiều địa phương, việc tiêm mũi 3,4 chậm, tỷ lệ chưa cao là do tâm lý người dân chủ quan khi thấy tình hình dịch bệnh đã ổn định, số ca mắc, tử vong thấp. Nhiều người dân đã từng mắc COVID-19 nên tự tin mình đã có miễn dịch trong cơ thể… Bên cạnh đó, không ít người đã từng có phản ứng mạnh với các mũi tiêm trước nên ngai ngần không muốn tiếp tục tiêm phòng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.
Tiến sỹ Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5. Đây chính là lý do Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi nhắc lại, tăng cường để phòng COVID-19.
Đặc biệt, đối với nhóm dễ bị tổn thương với COVID-19 hoặc có thể mắc COVID-19 nặng hơn so với những nhóm khác, việc tiêm vaccine giúp bảo vệ họ khỏi mắc bệnh hoặc không bị bệnh nặng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 4 cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi cần tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. “Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 rất nhẹ nhưng khi tiêm vaccine lại bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. “Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán, chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn”.
Nguy cơ thấp, lợi ích cao
Nguy cơ tiềm ẩn từ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em rất thấp so với lợi ích là khẳng định của các chuyên gia y tế khi đánh giá về lợi ích của việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Tại Australia, các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash đã hoàn thành nghiên cứu về nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở thanh thiếu niên, với kết luận nguy cơ là rất nhỏ và lợi ích của tiêm chủng đem lại lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ rủi ro khi không tiêm vaccine.
Nghiên cứu chỉ rằng, viêm cơ tim do vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA khiến người bệnh biểu hiện lâm sàng nhẹ, tự khỏi và trái ngược với các biến chứng và di chứng lâu dài liên quan đến COVID-19 đã được công bố, như hội chứng viêm đa hệ MIS-C ở trẻ em và các dạng viêm cơ tim khác.
Theo các chuyên gia y tế, nhiều trẻ mắc COVID-19 trong tình trạng bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện thời gian qua có đến 283 bệnh nhân mắc MIS-C và có tới 50% trong số này phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm tim phổi nhân tạo (ECMO). Hầu như các trường hợp mắc MIS-C đều chưa tiêm vaccine COVID-19...
Hội chứng MIS-C chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, rất may hầu hết các ca bệnh đều được cứu sống. Tuy nhiên, phác đồ điều trị MIS-C rất tốn kém. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị.
Trước các băn khoăn của phụ huynh: "Con tôi đã mắc rồi, có nên đi tiêm hay không? Có miễn dịch rồi, có tiêm hay không?", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển cho biết, biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong gian đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình.
Đồng thời, khuyến cáo các bậc phụ huynh tranh thủ dịp hè, trước khi vào học, đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sĩ để tiêm vaccine.
Cách xác định các mũi tiêm 3, 4 và thời gian tiêm
Người trên 18 tuổi: Tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 ba tháng; người đã mắc COVID-19, tiêm ngay sau khi khỏi bệnh.
Người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 năm tháng; người đã mắc COVID-19, tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Tiêm mũi 4 ngay sau mũi 3 bốn tháng; người đã mắc COVID-19, tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: trẻ đã mắc COVID-19, tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.