Bổ sung vi chất dinh dưỡng thế nào cho an toàn?

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Kèm theo xu hướng gia tăng của bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng của người dân chưa hợp lý và thiếu hoạt động thể lực.

Vi chất dinh dưỡng tham gia vào cấu tạo của hầu hết tế bào nên thiếu vi chất dinh dưỡng thường để lại hậu quả nặng nề.

Vi chất dinh dưỡng tham gia vào cấu tạo của hầu hết tế bào nên thiếu vi chất dinh dưỡng thường để lại hậu quả nặng nề.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Đó là các loại vitamin (A, B, C, D, E…) và khoáng chất (canxi, phốt pho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng…). Chúng đóng vai trò sản xuất năng lượng, cải thiện miễn dịch và tăng cường sức khỏe hệ xương, cần cho sự tăng trưởng của cơ thể và một số quá trình khác.

Hầu hết các loại vi chất dinh dưỡng đều tham gia vào các quá trình hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, một số loại còn hoạt động với vai trò giống như chất chống oxy hóa để bảo vệ trước tình trạng tổn thương tế bào liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer...

Cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được vi chất dinh dưỡng nhưng nguồn bổ sung vi chất dinh dưỡng lại có sẵn trong tự nhiên, bao gồm cả thực phẩm từ động vật và thực vật. Vì thế, ta có thể tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm giàu vi chất trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy lượng vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần không lớn nhưng sự thiếu hụt có thể gây ra những ảnh hưởng lớn về thể chất và trí tuệ. Cụ thể, sắt giúp não bộ phát triển và tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu sắt trẻ sẽ biếng ăn, giảm chỉ số thông minh, làm giảm khả năng lao động, học tập.

Trong khi đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của mắt và da. Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắt nhìn kém; phụ nữ thiếu vitamin A có nguy cơ đẻ con thiếu tháng, sinh con nhẹ cân...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 30% phụ nữ và 40% trẻ em toàn cầu bị thiếu sắt. Tỷ lệ này ở trẻ em các nước châu Phi cao hơn nhiều, ở mức trên 60%. Tình trạng thiếu vitamin A, sắt và kẽm khá phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả…) và thiếu hoạt động thể lực.

Chủ động bổ sung vi chất dinh dưỡng

Dinh dưỡng cân đối là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Để khắc phục và phòng chống tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm xuống dưới 23%; thiếu vitamin A tiền lâm sàng (thiếu hụt nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở mức dưới 8%, thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 50%, tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi thêm từ 2-2,5cm so với hiện nay.

Hằng năm, Việt Nam triển khai "Ngày vi chất dinh dưỡng" nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể, từ đó có biện pháp tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.

Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần chủ động đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

PGS. TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động khi trưởng thành. Vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Trong giai đoạn trẻ dưới 5 tuổi, vi chất dinh dưỡng góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện.

Do vậy, việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần được thực hiện một cách bền vững.

Với mỗi người, việc bổ sung vi chất cần được thực hiện trong suốt vòng đời. Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng các bậc phụ huynh tự ý bổ sung vi chất cho trẻ theo quảng cáo, theo Internet… điều này rất có hại cho trẻ.

Khi cần bổ sung vi chất cho trẻ, phụ huynh không nên bổ sung theo cách “cảm tính”, cần phải thăm khám để bác sĩ cho những chỉ định cần thiết như xét nghiệm vi chất.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vi chất dù rất nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò vô cùng to lớn với cơ thể. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ khiến hệ miễn dịch suy yếu dần, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Các chiến lược trong thời gian tới phải nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng - điển hình là kẽm và sắt là một vấn đề cần được tiếp tục quan tâm.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bo-sung-vi-chat-dinh-duong-the-nao-cho-an-toan-10282363.html