Bộ Tài chính: Giải ngân đầu tư công tăng tốc 6 tháng đạt 32,5% kế hoạch
Giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đạt hơn 268,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 32,5% kế hoạch. Đây là kết quả từ những giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành.

Các dự án giao thông trọng điểm sẽ được các nhà thầu duy trì nhân công, thiết bị máy móc nhằm thi công xuyên lễ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Ngày 11/7, theo thông tin từ Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025. Lũy kế giải ngân đến ngày 30/6 5 ước đạt 268,1 nghìn tỷ đồng và bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Kết quả này cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (là mức 28,2%) và về số tuyệt đối là hơn khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư công đang được khơi thông mạnh mẽ, đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, kết quả trên có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tinh thần "vướng ở đâu, gỡ ở đó" đã được các bộ, ngành, địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm túc.
Với vai trò là cơ quan tổng hợp, Bộ Tài chính cho biết đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp đột phá. Ngay từ đầu năm, Bộ đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị và kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 06/3/2025. Quyết định này đã thành lập 7 Tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng làm tổ trưởng, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, các báo cáo, phân tích sâu sắc về tình hình đã được xây dựng để phục vụ các phiên họp của Chính phủ, giúp nhận diện rõ các "điểm nghẽn" và đưa ra giải pháp kịp thời.
Một trong những nỗ lực đáng chú ý là việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài. Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 751/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, Bộ cho biết đang tích cực tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi áp dụng các cơ chế đặc thù, cũng như trình Bộ Chính trị các nguyên tắc, giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án này.
Về công tác phân bổ, đến ngày 30/6, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ và giao kế hoạch chi tiết 817,8 nghìn tỷ đồng, đạt 98,7% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 342,9 nghìn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 474,8 nghìn tỷ đồng. Hiện vẫn còn khoảng 9,7 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết (bao gồm 8,2 nghìn tỷ đồng vốn trong nước và 1,5 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài). Các cơ quan đang tiếp tục khẩn trương hoàn tất việc phân bổ để sớm đưa nguồn vốn vào thực hiện./.